NHỮNG THẦN HỌC GIA LỚN CỦA THẾ KỶ XX : HANS URS von BALTHASAR

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 31st, 2022. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Sau các Đức Hồng y de LubacDaniélou, Jean Duchesne dẫn chúng ta vào công trình của Balthasar, trong số các thần học gia lớn của thế kỷ XX. Dịch giả của Péguy, Claudel, Bernanos, ngài là tác giả của một  công trình đầy ấn tượng, bao gồm một tổng hợp bậc thầy về siêu nghiệm. Đặc biệt ngài khôi phục lại vị trí cho vẻ đẹp trong thần học, mà việc chú ý đến cái đúng (tín lý) và cái tốt (luân lý) đã làm quên đi.

Người Thụy Sĩ, gốc  Đức, biết nhiều thứ tiếng, nhà tư tưởng độc lập, tác giả của một công trình đồ sộ triển khai những trực giác kích thích từ một nền văn hóa phi thường trong sự trung thành bền vững với Giáo hội, Hans Urs von Balthasar (1905-1988) vẫn là sự quy chiếu và nguồn cảm hứng cho sự hiểu biết Kitô giáo.

Cuộc đời

Dòng họ Balthasar là một đại gia đình Công giáo ở Lucerne. Hans Urs học ở Zurich, rồi ở Vienne và Berlin, nơi ngài bước đầu học được tất cả những tiến bộ hiện đại về văn chương, triết học, nghệ thuật và khoa học.

Vào dòng Tên năm 1928, ngài vào nhà tập ở Lyon, nơi cùng với Jean Daniélou, ngài có cha de Lubac là giáo sư và hấp thụ Truyền thống Công giáo từ nguồn gốc của nó. Thụ phong linh mục vào năm 1936, ngài được bổ nhiệm làm tuyên úy sinh viên ở Bâle và kết bạn với Karl Barth (1886-1968), nhà thần học Tin Lành vĩ đại, người đã tập trung trở lại vào Thánh Kinh và sự triệt để của Chúa Kitô các Giáo hội cải cách bị cám dỗ bởi chủ nghĩa hoài nghi tự do và duy khoa học. Hai người ngày càng thân thiết vì cả hai không chỉ yêu thích âm nhạc mà còn chơi nhạc cụ và chơi cùng nhau.

Nhưng một cuộc gặp gỡ khác đã thay đổi cuộc đời của Balthasar : đó là cuộc gặp vào năm 1940 với bà Adrienne von Speyr (1902-1967), người đã kết hôn với một giáo viên đại học và đang hành nghề y (người phụ nữ đầu tiên được nhận vào ngành Y ở Thụy Sĩ) , đồng thời là một người thị kiến : bà « thấy » những trao đổi trong Chúa Ba Ngôi và cả Đức Trinh Nữ Maria và các thánh mà bà trò chuyện. Trở lại đạo Công giáo vào năm 1940 nhờ sự hướng dẫn của cha Balthasar, bà đã nhận được các dấu thánh vào năm 1942. Cha Balthasar là người giải tội và là bạn tâm tình của bà. Vì thế, ngài phải từ bỏ việc ở lại trong Dòng Tên và trở thành một linh mục bình thường của giáo phận Bâle, không được bổ nhiệm hay lương bổng. Ngài sẽ không là giáo sư ở bất cứ đâu.

Ngài trợ cấp cho các nhu cầu của mình bằng cách dịch Péguy, Claudel, Bernanos sang tiếng Đức một cách xuất sắc, và bằng cách xuất bản các tác phẩm của mình. Ngài thậm chí còn thành lập nhà xuất bản của riêng mình : Johannes Verlag, để phân phối các tác phẩm của mình nhưng cũng để tự dịch hay cho dịch những cuốn sách là ngài cho là quan trọng (chẳng hạn cảu các cha de Lubac, Bouyer, Ratzinger). Cùng với Adrienne, ngài cũng thành lập Tu viện thánh Gioan : các gáio dân tu hội đời. Vì không có Giám mục hay văn phòng Vatican nào kêu gọi, nên ngài không tham gia Công đồng năm 1962-1965, nhưng việc bổ nhiệm ngài là điều hiển nhiên đối với Ủy ban thần học quốc tế vào năm 1970, và kể từ năm 1972, ngài sẽ lãnh đạo mạng lưới Communio của các tạp chí Công giáo bằng các ngôn ngữ chính trên thế giới. Được thăng Hồng y trái với ý muốn của ngài vào năm 1988, ngài đột ngột qua đời ngay trước khi nhận tước hồng y.

Sự nghiệp

Cha von Balthasar là tác giả của hơn một trăm cuốn sách, hầu như tất cả đã được dịch, và nếu tính các bài báo, thì phải mất cả một cuốn (vả lại đã được biên tập lại) để ghi tất cả vào danh mục. Chính ngài đã thêm vào các tác phẩm giải thích sự thống nhất hữu cơ của công trình của mình. Có những bài chú giải Thánh Kinh, những bài nghiên cứu học thuật về các Giáo Phụ (Origène, Grégoire de Nysse, Maxime Người tuyên tín…) ; các bản chuyên khảo về các nhân vật khác nhau như thánh Inhaxicô Loyola, Mozart, Karl Barth, Bernanos, tư tưởng gia người Do Thái Martin Buber, các thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Êlisabeth Chúa Ba Ngôi… ; các chuyên luận về các vấn đề thần học như Sáng Tạo, Nhập Thể, vai trò của Chúa Thánh Thần và thể chế Giáo hội, ý nghĩa của lịch sử và cứu cánh của nó (cánh chung học) bao gồm địa ngục, Đức Trinh Nữ Maria và Giáo hội, cầu nguyện chiêm niệm… ; những suy tư về các vấn đề được đặt ra bởi các điều kiện sống đức tin Kitô giáo vào thế kỷ XX (chỗ đứng của Giáo hội trong thế giới, chủ nghĩa đa nguyện, sự lo âu trước sự dữ…).

Đa số các cuốn sách này là những câu trả lời cho các nhu cầu : hội nghĩ, tĩnh tâm, đóng góp cho các tạp chí và hội thảo chuyên đề, yêu cầu từ các phóng viên, nhà xuất bản… Nhiều tác phẩm cũng được dành cho Adrienne von Speyr và cho việc xuất bản một phần các tiết lộ của bà. Nhưng đó chỉ là những đối âm với một tổng hợp khổng lồ, được xuất bản từ năm 1961 đến 1987, gồm ba phần (mỗi phần tập trung vào một trong ba « siêu nghiệm » : chân, thiện, mỹ) và mười bảy tập. Phần thứ nhất, Vinh quang và Thánh giá (La Gloire et la Croix), là phần mỹ : ngài khôi phục cho vẻ đẹp chỗ đứng của nó trong thần học mà việc chú ý đến cái đúng (tín lý) và cái tốt (luân lý) đã quên đi.

Phần thứ hai, « Kịch thần linh » (La Dramatique divine), giới thiệu khái niệm « kịch », tức là hành động trong tiếng Hy Lạp, những gì làm nổi bật tính chất đầy biến động, bất ổn và thử thách của câu chuyện về Sáng Tạo và Cứu Độ, vốn kết thúc tốt đẹp bởi vì nó bắt nguồn từ sự năng động trao hiến chính mình trong Ba Ngôi Thiên Chúa vĩnh hằng.

Sau cùng, Lôgíc thần học (La Théologique) khám phá một cách triết học hơn làm thế nào chân lý được biểu lộ như là Logos (Lời và lôgíc) và được Chúa Thánh Thần làm cho có thể tiếp cận.

Để đọc

Những cuốn sách nhỏ của cha Balthasar giúp dễ dàng đi vào công trình đồ sộ của ngài. Trong số những cuốn liên tục được in lại, chúng ta có thể đọc cuốn « Trái Tim của thế giới » (le Cœur du monde), cuốn sách mang lại chiều kích vũ trụ cho việc tôn kính Thánh Tâm và dẫn đến cầu nguyện với Chúa Kitô ; « Chỉ duy Tình Yếu mới xứng đáng tin tưởng » (L’Amour seul est digne de foi), lời dẫn nhập rất hay vào Vinh quang và Thập giá ; « Thiên Chúa và con người hôm nay » (Dieu et l’homme d’aujourd’hui) về hoàn cảnh của các tín hữu trong vũ trụ bị khoa học và kỹ thuật chi phối ; và cuối cùng « Cordula hay Thử thách quyết định » (Cordula ou l’Épreuve décisive), trong đó người Kitô hữu được mời gọi phơi mình ra cho thế giới như Chúa Giêsu trong sự yếu đuối của mình.

Tý Linh

(theo Aleteia)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30