TÂM TÌNH CỦA CHA G.B. NGUYỄN VĂN ĐÁN ĐỐI VỚI CỐ LINH MỤC ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 1st, 2022. Posted in Việt Nam, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán, PSS, nguyên Giám đốc Đại Chủng viện Huế, và là người kế nhiệm Cha Đaminh trong chức vụ này, có những tâm tình sau đây để tiễn biệt cố linh mục Đaminh:

Thưa Cha Đa Minh rất kính mến,

Cách đây mấy tháng, khi cha còn nằm điều trị tại Bệnh Viên Bình Dân, khu vực kỹ thuật cao, con đã có dịp đến thăm Cha mấy lần. Lần nào con cũng chúc cha mau bình phục để chuẩn bị năm tới mừng trọng thể Ngọc khánh linh mục, ghi dấu ấn của một đời hết mình dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và các linh hồn. Nay Chúa lại gọi cha về trước. Rõ ràng là Chúa muốn Cha mừng ngọc khánh trên trời, vì thấy Cha đã hoàn tất các ơn gọi làm người, ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm linh mục, đặc biệt là ơn gọi linh mục Xuân Bích. Chính ơn gọi linh mục Xuân Bích này đã liên kết chặt chẽ anh em linh mục Xuân Bích chúng ta.

Cha thuộc giáo phận Kontum, đã lãnh chức linh mục năm 1963 và khởi đầu hành trình ơn gọi Xuân Bích từ năm 1964, khi Cha vào nhà Tịch Liêu, tức nhà Tập, của Hội tại Isy-les Moulineaux, Pháp. Sau đó Cha học sâu hơn về môn thần học rồi chuyên về môn triết học. Cha trở về Việt nam phục vụ tại đại chủng viện Huế. Năm 1972 cha được chuyển vào Đà Nẵng, giảng dạy tại đại chủng viện Hòa Bình, phân ban Triết được tách ra từ đại chủng viện Huế. Biến cố 1975 đưa đẩy Cha vào miền Nam và được Đức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc nhận Cha vào linh mục đoàn của giáo phận, và cha vẫn còn là linh mục Xuân Bích.

Cha được Bề Trên giáo phận giao cho công việc đúng theo ơn gọi Xuân Bích của cha: điều hành một chủng viện đông đảo với nhiều trăm chủng sinh mà chủng sinh lại không ở tập trung được. Biết bao khó khăn, từ việc cung cấp tư liệu học tập đến việc tổ chức giảng dạy và đào tạo! Vậy mà Cha đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, nhờ ơn Chúa, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria và với sự cộng tác đắc lực và hài hòa của hàng giáo sĩ giáo phận. Nhiều linh mục trong giáo phận đã xuất thân từ chủng viện không bình thường này.

Năm 1994, Đại chủng viện Huế được phép hoạt động lại, Đức Tổng Giám Mục Huế lại ủy cho Hội Linh Mục Xuân Bích điều hành. Anh em Xuân Bích chẳng còn mấy người. Năm 1995, Xuân Bích muốn mời Cha về Huế, nhưng Đức Cố Giám Mục Phaolô-Maria, đã yêu cầu để Cha tiếp tục ở lại giáo phận Xuân Lộc, tiếp tục sứ mạng đào tạo. Điều đó cho thấy công việc phục vụ của Cha đã cho kết quả tốt đẹp biết bao. Sau mấy năm, cơ sở 2 của đại chủng viện Sài gòn được quyết định mở tại Xuân Lộc. Lúc đó, với tầm nhìn giáo hội mở rộng, Đức Giám Mục Xuân Lộc thấy sự hiện diện của cha ở Huế là cần thiết hơn, mới đồng ý cho Cha trở lại Huế.

Cha đã trở lại phục vụ tại đại chủng viện Huế. Năm 2004, cha còn phải gánh vác cả nhiệm vụ giám đốc. Đến năm 2007, cảm thấy sức khỏe có bề giảm sút, Cha xin nghỉ chức vụ giám đốc. Tuy nhiên Cha vẫn vui lòng ở lại chia sẻ nhiệm vụ đào tạo với anh em. Cho đến hết tháng 5 /2011, cha mới về lại Xuân Lộc để nghỉ ngơi.

Nhưng nhiệt huyết phục vụ Giáo Hội trong lãnh vực đào tạo các linh mục tương lai không bao giờ hết cháy bỏng nơi Cha. Mới nghỉ ngơi được vài tháng, Cha lại tình nguyện ra phục vụ đại chủng viện Thái Bình. Ngay năm 2011, Đức Giám Mục giáo phận Thái Bình xin Xuân Bích giúp cho 2 cha đảm nhận trách vụ linh hướng cho đại chủng viện mới thành lập. Bề Trên Xuân Bích muốn chấp thuận, nhưng không tìm ra người thứ hai đang trong độ tuổi phục vụ! Thế là Cha hăng hái tình nguyện đi. Tuy nhiên lực bất tòng tâm! Tháng 9 cha ra Thái Bình thì đúng 3 tháng sau Cha lâm bệnh! Từ đây Cha về Xuân Lộc và nghỉ hưu thực sự, tại giáo xứ Xuân Khánh, giáo xứ mà Cha đã có những liên hệ rất đặc biệt.

Thưa Cha Đa Minh rất thân mến,

Gợi nhớ hành trình 58 năm ơn gọi linh mục Xuân Bích của Cha, con không có ý ca tụng những thành quả Cha đã đạt được. Bởi vì con biết cha không muốn điều đó. Vả lại nếu có muốn kể ra thì cũng khó kể ra cho hết.

Thực ra gợi nhớ hành trình phục vụ trĩu nặng thành quả tông đồ của Cha làm nổi rõ cảm nhận sự mất mát to lớn của anh em Xuân Bích chúng con. Chúng con vừa mất một người bạn, một người anh và, với những anh em đã là học trò của Cha, thì mất một người thầy. Cha đã như một nguồn khích lệ quý giá cho việc thực thi ơn gọi Xuân Bích của anh em chúng con. Tuy nhiên tâm tình bùi ngùi thương tiếc sâu sắc ấy không lấn át được tâm tình tri ân.

Trước hết chúng con dâng lời tạ ơn Chúa, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, đã thương kêu gọi và ban ơn cho Cha sống ơn gọi Xuân Bích cách rất tốt đẹp. Sau cái chết của thân xác, Chúa sẽ thưởng công bội hậu cho Cha.

Thứ hai, qua đời sống gắn bó với công tác đào tạo, nề nếp trong thực hành đạo đức, cẩn thận và tận tụy trong mọi công việc, đơn sơ và chừng mực trong nếp sống, khiêm tốn, ôn hòa, vị tha, chân thành, lắng nghe, hiểu biết người đối thoại, nhận ra những nhu cầu của họ, để thông cảm và tế nhị giúp đỡ, sống chan hòa với mọi người, nhất là với chủng sinh, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh để phân tích, phán đoán và đưa ra những quyết đjnh đứng đắn … Qua những đức tính con vừa sơ sài kể ra đây, Cha đã cho chúng con thấy một kiểu mẫu của nhà đào tạo Xuân Bích, một kiểu mẫu về cách sống linh đạo Xuân Bích cụ thể. Xin cám ơn Cha. Linh đạo ấy mời gọi chúng ta luôn ”sống hết mình cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu-Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần” theo gương tận hiến của Đức Maria thể hiện trong lễ Mẹ Dâng Mình trong Đền Thánh. Lễ này, Hội Xuân Bích đã chọn làm lễ bổn mạng của Hội, ngày 21 tháng 11 hằng năm. Trong mọi hoạt động, thành viên của Hội luôn kêu cầu và trông cậy sự phù trợ của Mẹ. Vì thế logo của Hội là hình chữ A đặt chồng lên chữ M. Đó là hai mẫu tự đầu của hai chữ la tinh “AUSPICE MARIA”, “nhờ Mẹ Maria phù trợ”. Theo gương Mẹ, linh mục Xuân Bích luôn chọn Chúa là tất cả. Truyền thống Xuân Bích vẫn còn giữ nghi thức, trong Thánh Lễ Bổn Mạng, các giáo sĩ hiện diện đều nhắc lại lời hứa giáo sĩ, cho dù lời hứa ấy không còn đọc trong nghi thức phong chức ngày nay nữa. Lời hứa ấy là lời thánh vịnh 15:” Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con chính Ngài nắm giữ”.

Thưa Cha Đa Minh rất kính mến, sản nghiệp ấy, chén phúc lộc ấy, ở đời này cha mới được hưởng trong đức tin, nay thành hiện thực đối với Cha rồi.

Cuối cùng anh em Xuân Bích chúng con cám ơn Cha vì tình nghĩa huynh đệ chân thành dành cho anh em. Suốt đời ơn gọi Xuân Bích của Cha, Cha đã luôn ưu ái dành cho anh em và cho sinh hoạt của Hội, mọi sự giúp đỡ, tinh thần cũng như vật chất. Cha không giữ lại gì. Nay, phần còn lại của thân xác của Cha, Cha cũng muốn gửi gắm lại cho anh em. Ngay đầu nhà nguyện của đại chủng viện Huế có một nghĩa trang. Ngày trước nơi đây dành an táng các linh mục Thừa Sai Pháp phục vụ tại giáo phận Huế. Từ năm 1962, Hội Linh Mục Xuân Bích được ủy nhiệm điều hành chủng viện này. Cho đến nay, tại đây đã có mộ phần của 4 linh mục Xuân Bích. Cha muốn về đây, nơi Cha đã từng phục vụ, không những để an nghỉ với những anh em đã qua đời, mà còn ngày ngày có thể gặp gỡ anh em đang thực thi ơn gọi Xuân Bích như Cha và cả những chủng sinh đang được đào tạo và tự đào tạo tại cơ sở này. Khi sống, hoạt động ở những nơi khác nhau, tình huynh đệ Xuân Bích của chúng ta luôn thắm thiết, xa mặt nhưng không cách lòng. Giờ đây, Cha vắng mặt vĩnh viễn trên cõi đời này, nhưng tình huynh đệ ấy, trong Chúa Kitô, vẫn luôn như thế: xa mặt nhưng không cách lòng.

Với tất cả tâm tình lưu luyến, chúng con xin từ biệt Cha”.

Xuân Khánh

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31