THÁCH ĐỐ MỤC VỤ TẠI CÁC GIÁO XỨ – TÂN PHÚC ÂM HÓA Ở MỘT Á CHÂU ĐANG THAY ĐỔI NHANH CHÓNG (1)

Written by lcd on Tháng Năm 29th, 2015. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Lm Lê Công Đức, Thế Giới, Thiên Phong, Truyền giáo

GIỚI THIỆU: Vị tổng giám mục dòng Sa-lê-diên có khuôn mặt hiền từ khắc khổ và giọng nói rất nhỏ nhẹ sâu lắng này nay đã 79 tuổi. Ngài từng được Đức Bênêđictô XVI cho phép nghỉ hưu ở tuổi 76, năm 2012, sau khi làm giám mục giáo phận Dibrugarh trong 11 năm và tiếp theo là tổng giám mục Guwahati trong 20 năm. Nhưng từ hồi đầu năm ngoái (2014), ngài lại phải trở lại làm việc mục vụ, vì Đức Phanxicô  đặt ngài làm giám quản tông tòa giáo phận Jowai, một giáo phận trống tòa.

Trước đó, từ 1986 đến 1992, Menamparampil là chủ tịch Văn phòng đặc trách Loan báo Tin Mừng của FABC. Trong thời gian này, công việc chủ yếu của ngài là đào sâu mối quan hệ với các nền văn hóa Á Châu xuyên qua việc rao giảng Phúc âm và tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các đại diện của Giáo hội và các đại diện của các chính quyền cộng sản.

Sau đó, Menamparampil là Thư Ký Đặc Biệt tại Thượng Hội Đồng Giám mục Á Châu (1998). Ngài là tác giả của hơn 180 bài viết về các chủ đề khác nhau như rao giảng Phúc âm, văn hóa, sứ vụ, giáo dục, đời sống thánh hiến, và cầu nguyện.

Năm 2006, ngài được bầu vào chức chủ tịch Hội Đồng Giám mục vùng Đông bắc Ấn Độ. Hai năm sau, ngài được chọn làm chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Văn hóa của Hội Đồng Giám mục Ấn Độ. Menamparampil đã đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột giữa các nhóm sắc tộc khác nhau trong Nhà Nước Liên Hiệp Assam, và ngài điều phối “Nhóm Hòa Bình Đại Kết”, một nhóm chuyên tâm thúc đẩy đối thoại ở Đông bắc Ấn Độ và đã tỏ ra là một tổ chức đầy hiệu năng trong nỗ lực hóa giải các xung đột địa phương.

Tổng giám mục Menamparampil được đề cử giải Nobel Hòa Bình vào năm 2011. Việc đề cử này cho thấy sự nhìn nhận các nỗ lực không ngừng của ngài để vãn hồi hòa bình, hòa giải và ổn định tại miền Đông bắc Ấn Độ, một vùng đầy những xung đột về lãnh thổ và về sắc tộc. 

Bài thuyết trình sau đây, mang tựa đề “Thách Đố Mục Vụ Tại Các Giáo Xứ – tân Phúc âm hóa ở một Á Châu đang thay đổi nhanh chóng”, được ngài trình bày tại Hội nghị về “Loan báo Niềm vui Tin Mừng trong tư cách những nhà loan báo Tin Mừng được canh tân tại Á Châu” dành cho các giám mục, linh mục, và các nhà đào tạo – do Văn phòng đặc trách Giáo sĩ của FABC tổ chức tại Pattaya, Thái Lan, từ 10-15.11.2014.

Xin trân trọng giới thiệu với quí bạn đọc.

Lm. Giuse Lê Công Đức

 

THÁCH ĐỐ MỤC VỤ TẠI CÁC GIÁO XỨ

Tân Phúc âm hóa ở một Á Châu đang thay đổi nhanh chóng

Tổng Giám mục Thomas Menamparampil, SDB.

                                                                       

1. TÌNH TRẠNG ĐANG THAY ĐỔI CỦA Á CHÂU: TÍNH LIÊN TỤC VĂN HÓA BỊ ĐỨT ĐOẠN, HIỆN TƯỢNG TOÀN CẦU HÓA, VÀ NHỮNG PHONG TRÀO CẤP TIẾN

Một khuôn mặt mới của Á châu đang hiện lộ nhanh chóng. Những cộng đồng, vốn từng thuộc về vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp, sống chủ yếu trong các làng hẻo lánh và mưu sinh chật vật bằng lao động thời vụ, chỉ qua có một vài thập niên đã đi vào nền kinh tế đầu tư và có tính toàn cầu. Người ta đang cố gắng thích nghi với những thay đổi xã hội đang diễn ra. “Cú sốc tương lai” mà Alvin Toffler nói đến cách đây vài năm đang siết chặt lấy Á châu ngày nay. Dân cư thành thị trở nên hỗn độn. Còn dân chúng miền quê thì bị bỏ mặc cho đói nghèo và vất vưởng.

Trong khi một bộ phận xã hội đang học cách thích nghi và tận dụng những cơ hội mới nảy sinh trong một thế giới cạnh tranh và toàn cầu hóa, thì nhiều người khác bị tụt lại phía sau. Một số người cảm thấy mình bị loại ra lề hoặc bị bóc lột, đã hình thành nên những nhóm nào đó để tự khẳng định mình, như:

– những nhóm sắc tộc tự khẳng định

– những nhóm chính trị tách biệt, những nhóm ly khai

– những nhóm cấp tiến cực đoan

– những nhóm vũ trang địa phương

– những nhóm yêu nước cục bộ theo vùng miền

– những nhóm ý thức hệ cấp tiến thiên hữu hay thiên tả

– những nhóm quá khích có vũ trang 

Các nhóm ấy bùng phát, ở những đất nước vốn từng có tiếng về truyền thống hiếu hòa, theo một cách thức mà ngay cả cách đây vài năm người ta cũng không thể dễ dàng tiên lượng được. Động lực chính đằng sau hầu hết các phong trào này là những người trẻ đang kiếm tìm các giải pháp cho các vấn đề của cá nhân và của cộng đồng mình giữa những lộn xộn của một thế giới toàn cầu hóa. Nền Kinh Tế Mới đã lôi kéo ngày càng nhiều người trẻ ra khỏi mái ấm gia đình, niềm tin tôn giáo, gốc rễ văn hóa, căn tính cộng đồng, vùng đất quen thuộc… và ném họ vào muôn trùng sóng gió bấp bênh. Họ không có mấy cảm thức an toàn và càng không có mấy cảm thức thuộc về. Sự giận dữ và thất vọng trở thành nguồn năng lực cho họ.

Do sự suy yếu của những mối ràng buộc gia đình và cộng đồng, họ không thể đào sâu bất cứ niềm xác tín nào hay phát triển một tầm nhìn nào cho tương lai. Họ vuột mất tính liên tục văn hóa vốn đến từ sự hiện diện của cha mẹ, ông bà, chú bác, anh chị em… trong những gia đình và cộng đồng chặt chẽ hơn. Họ vuột mất những quy tắc mà cha mẹ và giới lãnh đạo cộng đồng vốn từng đề ra, vuột mất những sự chắc chắn từng được thừa kế từ một di sản chung, và vuột mất sự liên đới mà cộng đồng làng xã từng cung ứng cho mình trong những thời khắc khủng hoảng. Toàn bộ hệ thống giá trị của họ đang bị đe dọa.

Chính trong những căng thẳng và bấp bênh này, và những điều tương tự, mà chúng ta cung ứng những giúp đỡ mục vụ và cố gắng hỗ trợ những người lạc lối, nghèo khổ, kém phát triển, mù chữ, bệnh hoạn, già yếu, bị loại ra lề, hay bị đối xử bất công.

2. SỰ XÓI MÒN CỦA CÁC NỀN VĂN HÓA VÀ CÁC GIÁ TRỊ

Những căng thẳng đang leo thang tại nhiều nước cho ta thấy rằng các lý tưởng và các giá trị truyền thống Á châu đang suy yếu nhanh. Điều này là do bởi những khuynh hướng trong xã hội chúng ta vốn dĩ làm xói mòn nền đạo đức, nhữngmối dây ràng buộc xã hội, cảm thức thuộc về cộng đồng, và tinh thần dấn thân cho các giá trị và các lý tưởng chung… dẫn đến nạn tham nhũng, tinh thần quy ngã trơ trẽn, óc bè phái, não trạng phe nhóm hẹp hòi. Ý thức trách nhiệm suy vi nhanh chóng và cảm thức về thiện ích chung đang lụi tàn. Sự gia tăng hàng hóa tiêu thụ có sẵn cho những ai đã leo lên tới mức sống của giai cấp trung lưu đang đe dọa biến đổi con người từ những công dân có lương thức, có phẩm giá và lòng tự trọng trở thành những cá nhân ích kỷ, những rôbốt đói-khát-tiền-bạc-và-quyền-lực, và những người tiêu thụ vô độ.

Khi các cá nhân cũng như các cộng đồng bứt mình ra khỏi các gốc rễ tôn giáo và văn hóa của mình, rồi trở nên duy vật, họ bắt đầu quên những nguồn mạch mà từ đó họ đã từng kín múc sức mạnh luân lý và sự vững chãi tâm linh: gia đình, cộng đồng, văn hóa, những truyền thống sống động và những niềm xác tín chung. Họ không còn rút được năng lực từ những phẩm tính có sức thúc đẩy và đem lại sức sống trong nền văn hóa của mình, và không còn nhận ra được sự cao quý của những yếu tố dung dị trong truyền thống của mình, sự cao cả trong căn tính và ý nghĩa trong đức tin của mình.

3. ÁP LỰC CỦA CÁC TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TRÊN GIỚI TRÍ THỨC Á CHÂU, MỌI TÔN GIÁO ĐỀU BỊ SỨC ÉP

Trong thời kỳ thực dân, nền giáo dục Tây phương đã đem những trào lưu triết học phổ biến của mỗi giai đoạn đến các xã hội ở Á châu. Giới trí thức xem việc đón nhận một trào lưu triết học nào đó là hợp thời vì nó thuyết phục họ hay phù hợp với họ.

Tương tự như thế, họ bị ảnh hưởng bởi những định nghĩa khác nhau về tôn giáo do nhiều trường phái tư tưởng khác nhau đưa ra; chẳng hạn, họ coi tôn giáo như sự tha hóa, là một bản năng tự nhiên để xoa dịu những thực tại đau thương, là thuốc phiện của những người bị áp bức, là tư tưởng đào thoát khỏi thực tế, là ảo tưởng, là một cảm xúc hữu ích, là tìm kiếm sự khuây khỏa và hướng nội. Giới trẻ của chúng ta ngày nay đang chịu ảnh hưởng từ nhiều học thuyết như thế. Các chủng sinh, tu sĩ trẻ và những người nam nữ làm mục vụ cũng không là ngoại lệ.

Một thế giới mới đã dần dần hiện lộ đối với giới trí thức Á châu, trong đó tôn giáo bị loại ra lề. Bất chấp sức mạnh và sự vững chãi của các tôn giáo truyền thống Á châu, một đàng là những triết học thế tục ấy và những ý thức hệ duy vật biện chứng (thiên tả), và đàng khác là chủ nghĩa duy vật tiêu thụ (thiên hữu), đã định hình tâm thức của giới trí thức ở Á châu trong hơn một thế kỷ. Kết quả là những lĩnh vực giải trí, nghề nghiệp, giáo dục, chính trị, kinh tế trong xã hội chúng ta vẫn tiếp tục loại bỏ các mối quan tâm tâm linh ra khỏi phạm vi của mình.

Ngày nay, với nền kinh tế toàn cầu đang hạ thấp phần đông người ta trong xã hội xuống mức chỉ còn là những người sản xuất và những người tiêu thụ, thế giới quan của đại đa số người châu Á cũng chịu áp lực nặng nề. Vì cả nền giáo dục lẫn các phương tiện truyền thông đại chúng đều phục vụ cho hình thức kinh tế này, nên những giá trị đạo đức và tôn giáo từng là đặc nét của các xã hội Á châu nay phải rơi vào sự căng thẳng nghiêm trọng. Trong khi chúng ta không thể phủ nhận rằng một bộ phận lớn dân chúng vẫn trung thành với nền văn hóa và tôn giáo của mình, thì những thế hệ trẻ hơn, nhất là những người có học, phải vật lộn với làn sóng thế tục hóa hiện nay, một số trong họ bị cuốn vào một dạng cực đoan nào đó trong phản ứng.

Phần đông người ta ngày nay chỉ sống theo những gì thuận với sở thích trong lĩnh vực hoạt động riêng của mình. Đời sống công cộng không cho thấy bao nhiêu dấu chứng về các niềm xác tín tôn giáo hay về các nguyên tắc luân lý rút ra từ đó. Tôn giáo nào cũng đang ở trong sức ép, và bị thách đố nghiêm trọng bởi các ý thức hệ thế tục. Những ý thức hệ này đang nhanh chóng thay thế tôn giáo. Và người ta đang lo sợ rằng khuynh hướng thế tục hóa hiện nay là không thể đảo ngược. Có quá nhiều ngôn sứ của thời thế mạt.

Người ta ghi nhận rằng một phần không ít giới trẻ của chúng ta đã lãng quên ngay cả những điều căn bản của Công giáo, và một số người khác phản ứng bằng cách chuyển sang Phái Ngũ Tuần! Thậm chí những người đạo đức cũng thường hay bị mắc kẹt giữa hai thái cực: chủ trương mêsia thế tục (như thể việc xây dựng thiện ích trần thế là mục tiêu duy nhất của sứ mạng Kitô hữu) và những thái quá mang tính đặc sủng rất gần với Phái Ngũ Tuần.

4. SỰ GIÁN ĐOẠN TRONG VIỆC CHUYỂN TRAO ĐỨC TIN

Các nhà nhân học cho chúng ta biết rằng đằng sau mọi nền văn minh/văn hóa đều có một tầm nhìn thống nhất về thực tại. Trong trường hợp của Á châu xét chung, đó là một “tầm nhìn tâm linh”; đó là linh hồn của các nền văn hóa của chúng ta. Tầm nhìn này đang lu mờ nhanh chóng.

Như chúng ta đã ghi nhận, do những tiến trình toàn cầu hóa gần đây, các cấu trúc xã hội như đại gia đình, trường học, xóm giềng, những mô hình truyền thống hình thành nên xã hội    vốn giúp chuyển trao những xác tín tôn giáo từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp – nay đã bị phá vỡ. Có một sự gián đoạn rõ rệt trong việc chuyển trao đức tin cho thế hệ sau.

Tương tự như thế, cũng có sự gián đoạn trong việc chuyển trao các giá trị xã hội cho thế hệ sau. Các cộng đồng sản sinh ra giá trị không thể được xây dựng chỉ xuyên qua những khái niệm tương quan mang tính khế ước giữa những cá nhân đơn lẻ như các nhà triết học xã hội chủ trương. Đối với Marx, công nhân là những cá nhân đơn lẻ bán sức lao động (Taylor 2007:221). Trái lại, các giá trị được phát sinh nơi những cộng đồng hữu cơ, đặt nền trên tính sắc tộc, văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, các cá nhân bị ép vào trong các thực thể xã hội vô ngã vị như: nhà nước, đảng phái, giai cấp, các phong trào xã hội, mạng lưới kinh tế, một thế giới toàn cầu hóa. Ngay cả các cộng đồng tôn giáo cũng đánh mất “cảm thức cộng đồng” của họ trong một thế giới vô ngã vị. Lại nữa, sự giao thoa giữa các nền văn hóa làm cho tính liên tục trong truyền thống của chúng trở nên khó khăn, hầu như bất khả (Bruce 2011:74). Đó là điều khiến con người ngày nay khao khát những giá trị chung và đời sống cộng đồng bên trong những cộng đồng của chính họ.

Ngày càng được cảnh báo về những dạng thức vô thần và những chênh vênh này, người ta đã phản ứng bằng cách chuyển sang những hình thức khác nhau của chủ nghĩa cực đoan, tức là bảo thủ thái quá trong quan điểm và công kích triệt để chống lại những người khác. Những người trẻ của chúng ta – ở trường học hay ở sở làm – đang thường xuyên “phơi sườn” cho các khuynh hướng này. Họ cũng tương tác với những người hoạt động tích cực trong các phong trào như bảo vệ môi trường, nữ quyền, nhân quyền, các nhóm thiểu số. Chính để chăm lo cho các nhu cầu của những người đang chịu các ảnh hưởng này mà Giáo hội vạch ra các chiến lược thực thi sứ mạng của mình.

5. KHUÔN MẶT ĐANG TRÔI QUA CỦA KHUYNH HƯỚNG CẤP TIẾN THIÊN TẢ

Cách đây vài  năm, nhiều bạn trẻ Công giáo có học thức của chúng ta đã bị kéo theo hướng của những ý thức hệ thiên tả và chủ nghĩa duy hoạt động. Khái niệm đấu tranh giai cấp, vốn phổ biến vào thời điểm ấy, được truy nguồn từ các bản văn và các trình thuật Thánh Kinh. Những ý niệm của Mỹ Latinh về sứ mạng Giải phóng (các ý niệm Thần học Giải phóng) được phổ quát hóa, và các nhận thức rút ra được làm thành giáo thuyết. Cách tiếp cận này mắc phải điểm yếu là không chú ý đến những kinh nghiệm ở những vùng khác trên thế giới, yếu khi ứng xử với những thực tế lịch sử khác, giữa những nhóm dân tộc khác, và trong những hoàn cảnh văn hóa khác.

Đối với một số người, đức tin trở thành được đồng hóa với chủ trương mêsia chính trị, và luân lý được coi như một phế tích của giai cấp tư sản. Những Kitô hữu ủng hộ các khái niệm này  đang quên rằng trong khi việc mưu cầu công lý là điều quan trọng, thì Kitô giáo không thể bị giảm trừ đến chỉ còn là những nỗ lực giải phóng, những cuộc đấu tranh cho công lý hay cho nhân quyền. Ratzinger nói: “Khi đức tin bị biến thành một chủ trương mêsia trần thế, thì đó là một sự phản bội đối với Kitô giáo” (Jankunas 2011:82).

Nhưng từ thập niên 1990, các nhà cách mạng trẻ đã thay đổi cách nghĩ. Những ai từng giải quyết các vấn đề công lý trong Thế giới thứ ba dựa vào quan điểm triết học, thì nay thích nắm bắt các cơ hội hơn. Và khi thành công, một số người trong họ dồn hết nỗ lực vào những kiểu kiếm tiền và tiêu tiền mà họ đã từng khinh thường trước đây. Các ưu tiên của họ đã thay đổi, và ngày nay họ dùng tất cả mọi năng lực nhằm sở đắc hàng hóa tiêu thụ.

6. NHỮNG KITÔ HỮU THIÊN VỀ BẢO THỦ HAY TRÀO LƯU NGŨ TUẦN BỊ PHÊ BÌNH MỘT CÁCH THIẾU TRÁCH NHIỆM

Khi sự việc diễn tiến theo hướng nói trên, hầu hết Kitô hữu không biết cách xử lý tình huống ngoại trừ việc vẫn cứ bảo thủ một cách bất lực. Chẳng mấy người phát triển kỹ năng đối thoại với các ý tưởng mới phát sinh bởi sự lan tràn niềm tin vô thần, khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, tự do, tự trị, lý luận và sự tiến bộ. Cách riêng, các nhà lãnh đạo Giáo hội cảm thấy phiền nhiễu khi ứng xử với những đám đông tín hữu vừa nặng tính bảo thủ vừa ít hiểu biết. Cách tiếp cận thận trọng của giới lãnh đạo Giáo hội trước cách nghĩ mới khiến các vị trông có vẻ thủ cựu hơn so với bản chất thật sự của mình. Tuy nhiên, khuynh hướng bảo thủ rõ rệt của giới giáo sĩ được phần còn lại của xã hội giải thích như là sự đề kháng đối với những tư tưởng cấp tiến và như là thái độ không sẵn sàng thay đổi. Cảm nhận này đã đẩy nhiều giáo dân ở những đất nước Kitô giáo truyền thống về phe của những người tiến bộ, phóng khoáng và bài giáo sĩ.

Ngoài ra, bất cứ ở đâu mà những nhà lãnh đạo Giáo hội dính líu quá chặt với với chế độ cai trị như ở Mỹ Latinh, thì những người tiến bộ trở nên càng bất tuân. Giữa những khó khăn này, hầu hết tín hữu an phận đóng khung mình trong một thái độ nhân nhượng bề ngoài và trong những thực hành truyền thống. Trong khi đó, một bộ phận lớn giáo sĩ vẫn cứ tự mãn và thụ động, ù lì trước những nhu cầu mục vụ và ì ạch trước những cơ hội loan báo Tin Mừng. Nói chung người ta thấy thiếu tính sáng tạo và năng động.

7. THẾ TỤC HÓA: BẠN HAY THÙ?

Nói đến đây, chúng ta phải thừa nhận rằng sự ‘phơi sườn’ của Á châu trước những cung cách và tư tưởng chính trị, những kỹ năng kinh tế và lối nghĩ hiện đại của Tây phương, đã giúp các quốc gia của châu lục này hiện đại hóa chính mình. Dân chủ, bình đẳng trước pháp luật, sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, quyền tham gia vào việc đưa ra quyết định, tự do biểu đạt, những quyền cơ bản của con người, sự tiếp cận bình đẳng đối với những cơ hội kinh tế… tất cả những ý niệm này trở nên có giá trị lớn lao đối với các xã hội Á châu vốn khao khát tự do và phát triển. Nền giáo dục Tây phương được nồng nhiệt đón nhận và một hàng ngũ lãnh đạo xuất hiện ở hầu hết các nước Á châu, đó là những người có khả năng nắm vận mệnh của đất nước mình.

Đặc biệt hơn, thiểu số Kitô hữu ở Á châu đã nhận thấy lợi ích của việc khẳng định giá trị của một chính thể thế tục. Họ nhất loạt đòi hỏi một chính quyền thế tục, theo nghĩa không phải là một chính quyền bác bỏ các giá trị tâm linh hay bách hại các tín hữu, nhưng là một chính quyền đối xử với mọi cộng đồng tôn giáo bằng sự tôn trọng ngang nhau và mở rộng sự bảo vệ ngay cả đối với những cộng đồng thiểu số. Đáng tiếc, không phải tất cả các chính quyền ở Á châu tự nhận là thế tục mà thật sự mang tính thế tục. Một số chính quyền công khai thiên vị giáo phái, một số khác vẫn còn phủ nhận tự do tôn giáo đối với các cộng đồng thiểu số. 

(còn tiếp 3 kỳ)

Nguyễn Quí Khôi dịch – Lê Công Đức biên tập

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30