BẢN DỊCH THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI (Chương 5 và 6)

Written by lcd on Tháng Mười Một 8th, 2020. Posted in Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Văn kiện Giáo Hội

CHƯƠNG V

MỘT THỨ CHÍNH TRỊ TỐT HƠN

  1. Sự phát triển của cộng đồng huynh đệ toàn cầu – dựa trên thực hành tình thân hữu xã hội của các dân tộc và các quốc gia – đòi phải có một loại chính sách tốt hơn, loại chính sách thực sự phục vụ cho công ích. Đáng buồn là chính trị ngày nay thường ở trong những dạng thức cản trở sự tiến bộ hướng về một thế giới khác.

NHỮNG HÌNH THỨC CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TÚY VÀ CHỦ NGHĨA TỰ DO

  1. Sự thiếu quan tâm đến những người yếu ớt có thể ẩn sau một chủ nghĩa dân túy nhằm khai thác người ta bằng cách tuyên truyền lôi kéo để phục vụ các mục đích của mình, hay một chủ nghĩa tự do phục vụ cho các lợi ích kinh tế của kẻ mạnh. Trong cả hai trường hợp, sẽ thật khó để hình dung một thế giới mở ra dành chỗ cho mọi người, bao gồm cả những người yếu ớt nhất, và biểu hiện lòng tôn trọng đối với các nền văn hóa khác nhau.

Dân chúng và dân túy

  1. Trong những năm gần đây, các từ “dân túy chủ nghĩa” và “người theo chủ nghĩa dân túy” đã tràn ngập các phương tiện truyền thông và các cuộc chuyện hằng ngày. Vì thế, chúng đánh mất bất cứ giá trị nào mà chúng có thể đã có, và trở thành một nguyên nhân gây phân cực trong một xã hội vốn dĩ đã chia rẽ. Người ta đã cố gắng phân loại các dân tộc, các nhóm, các xã hội, và các chính quyền là ‘dân túy’ hay không ‘dân túy’. Ngày nay, một người không thể biểu đạt quan điểm của mình về bất cứ chủ đề nào đó mà không bị xếp loại cách này hay cách khác, hoặc để bị phỉ báng cách bất công, hoặc để được ca tụng lên tận trời xanh.
  2. Việc cố gắng xem chủ nghĩa dân túy như một chìa khóa diễn dịch thực tế xã hội đặt ra vấn đề theo một cách khác: nó làm mất ý nghĩa chính đáng của từ “dân”. Mọi cố gắng tháo gỡ ý niệm này ra khỏi kiểu nói thông thuộc có thể dẫn tới việc loại trừ chính ý niệm về dân chủ hiểu là “chính quyền do dân”. Nếu chúng ta muốn khẳng định rằng xã hội không duy chỉ là một mớ các cá nhân gộp lại, thì từ “dân” sẽ rất cần thiết. Có những hiện tượng xã hội tạo ra các thành phần số đông, các xu hướng lớn, và các cảm hứng cộng đồng. Những con người nam nữ có khả năng hướng tới các mục tiêu chung vượt trên những khác biệt của họ, và do đó họ có thể dấn thân trong một công cuộc chung. Thêm nữa, sẽ cực kỳ khó khăn việc thực hiện một kế hoạch lâu dài nếu nó không trở thành một cảm hứng tập thể. Tất cả những yếu tố này nằm đằng sau cách chúng ta dùng từ “dân” và “dân chúng”. Cần phải tính đến các yếu tố ấy – cùng với một sự phê bình sáng suốt về ‘hoạt động dân vận’ – thì một khía cạnh nền tảng của thực tại xã hội mới không bị bỏ qua.
  3. Ở đây có thể có một sự hiểu nhầm. “Dân” không phải là một phạm trù luận lý, nó cũng không phải một phạm trù thần bí, nếu hiểu như là mọi sự dân làm đều tốt, hay cho rằng dân là một thực tại ‘thiên thần’. Đúng hơn, đó là một phạm trù huyền thoại… Khi bạn phải giải thích điều bạn muốn nói trong từ ‘dân’, bạn dùng các phạm trù luận lý để mà giải thích, và đương nhiên phải thế. Nhưng bằng cách đó bạn không thể giải thích ý nghĩa của việc thuộc về một dân. Từ ‘dân’ có một ý nghĩa sâu hơn, và không thể được diễn đạt bằng ngôn ngữ thuần túy luận lý. Thuộc về một dân là thuộc về một căn tính chung do những mối gắn kết văn hóa và xã hội. Và đó không phải là một cái gì tự động, mà đúng hơn đó là một quá trình chậm chạp và khó khăn… tiến tới một dự phóng chung”. (132)
  4. Các thủ lãnh “của dân chúng”, những người có thể diễn dịch các cảm nghĩ và các động lực văn hóa của dân, và các xu thế quan trọng trong xã hội: Họ có đó! Việc phục vụ mà họ cung ứng qua các nỗ lực qui tụ và dẫn dắt, có thể trở thành cơ sở của một tầm nhìn dài hơi về sự thay đổi và phát triển vốn cũng sẽ bao gồm việc dành chỗ cho những người khác trong công cuộc theo đuổi thiện ích chung. Nhưng điều này có thể thoái hóa thành một thứ “dân túy” không lành mạnh, khi các cá nhân có thể khai thác nền văn hóa của dân theo lối chính trị, dưới bất cứ khẩu hiệu ý thức hệ nào, để đạt lợi thế cho riêng mình hay để tiếp tục nắm quyền lực. Hay trong các trường hợp khác, khi họ tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng bằng cách dựa vào những xu hướng hạ cấp và ích kỷ nhất của một số thành phần trong dân chúng. Điều này càng trở thành nghiêm trọng khi mà – trong những hình thức có thể thô thiển hay tinh tế – nó dẫn tới sự thao túng các cơ chế và luật pháp.
  5. Những nhóm dân túy đóng kín làm méo mó từ “dân”, vì những nhóm ấy không thể hiện ý nghĩa ‘dân’ thực sự. Ý niệm “dân” quả thực là một ý niệm mở. Một dân sống hoạt, một dân có một tương lai, đó là một dân không ngừng mở cho một tổng hợp mới, xuyên qua khả năng đón nhận những khác biệt. Bằng cách này, người ta không phủ nhận căn tính riêng của mình, nhưng mở ra để được thúc đẩy, được thách đố, được mở rộng và bồi đắp bởi người khác, nhờ đó lớn lên và phát triển hơn.
  6. Một dấu hiệu khác của sự thoái hóa trong vai trò lãnh đạo dân chúng, đó là bận tâm về lợi thế ngắn hạn. Người ta đáp ứng các đòi hỏi của dân chúng để thu được phiếu hay sự ủng hộ, nhưng không tiến triển trong một nỗ lực cần mẫn và bền bỉ để tạo ra các nguồn lực mà người dân cần để phát triển và sinh sống bằng chính sự cố gắng và khả năng sáng tạo của họ. Về phương diện này, tôi đã nói rõ rằng “tôi không có ý định đề ra một chủ trương dân túy vô trách nhiệm”. (133) Việc xóa bỏ bất bình đẳng đòi hỏi một sự phát triển kinh tế có thể giúp đánh thức tiềm lực của mỗi vùng, và nhờ đó bảo đảm một sự bình đẳng kiên vững. (134) Đồng thời, đòi hỏi tiếp theo là “các dự án phúc lợi, giúp đáp ứng một số nhu cầu khẩn cấp, nên được xem chỉ như những giải pháp tạm thời”. (135)
  7. Vấn đề lớn nhất là việc làm. Điều thực sự “vì dân” – bởi nó ủng hộ thiện ích của dân chúng – đó là cung cấp cho mọi người cơ hội để chăm sóc những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo trồng trong mỗi chúng ta: các tài năng của ta, sáng kiến và các nguồn lực nội tại của ta. Đây là sự giúp đỡ tốt nhất mà chúng ta có thể trao cho người nghèo, là con đường tốt nhất để đạt được một đời sống có phẩm giá. Vì thế tôi muốn nhấn mạnh rằng “việc trợ giúp tài chánh cho người nghèo phải luôn được xem chỉ là một giải pháp tình thế khi đứng trước những nhu cầu cấp thiết. Tầm nhìn rộng hơn phải luôn luôn là cho phép họ có được một đời sống có phẩm giá xuyên qua lao động”. (136) Vì hệ thống sản xuất có thể thay đổi, các hệ thống chính trị phải tiếp tục làm việc để cấu trúc xã hội, theo cách thức sao cho mọi người có cơ hội đóng góp bằng tài năng và những sự cố gắng của mình. Vì “không có cái nghèo nào tệ hại hơn là cái nghèo tước mất lao động và phẩm giá của lao động”. (137) Trong một xã hội thực sự phát triển, lao động là một chiều kích thiết yếu của đời sống xã hội, vì nó không chỉ là một phương tiện để kiếm sống, mà còn là phương tiện giúp người ta lớn lên, xây dựng những tương quan lành mạnh, thể hiện chính mình, và trao đổi các ân ban. Lao động đem lại cho chúng ta một cảm thức đồng trách nhiệm đối với sự phát triển của thế giới, và cuối cùng, trách nhiệm đối với đời sống của chúng ta trong tư cách là một dân.

Lợi ích và giới hạn của những cách tiếp cận mang tính tự do chủ nghĩa

  1. Ý niệm về một “dân”, vốn gợi một cái nhìn tích cực về cộng đồng và về những mối gắn kết văn hóa, thường bị bác bỏ bởi những phương pháp tiếp cận mang tính tự do chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa, vốn nhìn xã hội chỉ như tổng số các lợi ích của mọi người. Người ta nói về sự tôn trọng tự do, nhưng không có gốc rễ trong một câu chuyện chung; trong một số bối cảnh, những người bảo vệ các quyền của các thành viên yếu ớt nhất trong xã hội thường dễ bị phê bình là những người dân túy. Ý niệm về một dân được xem như một ý niệm trừu tượng, một cái gì không thực sự tồn tại. Nhưng như vậy là tạo ra một sự lưỡng phân không cần thiết. Cả ý niệm “dân” lẫn ý niệm “láng giềng” đều không thể được xem như thuần túy có tính trừu tượng hay lãng mạn, theo kiểu như tổ chức xã hội, khoa học, và các cơ chế dân sự có thể bị loại bỏ hay coi thường. (138)
  2. Đàng khác, bác ái liên kết cả hai chiều kích – trừu tượng và cơ chế – vì nó đòi một tiến trình thay đổi lịch sử cách hữu hiệu, bao gồm mọi sự: các cơ chế, pháp luật, công nghệ, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, phân tích khoa học, các thủ tục hành chánh, vân vân… Theo đó, “đời sống riêng tư không thể tồn tại trừ phi nó được bảo vệ bởi trật tự công cộng. Gian bếp trong nhà sẽ không có hơi ấm thật sự nếu nó không được bảo vệ bởi luật pháp, nếu không có sự yên ổn đặt nền trên luật pháp, và nếu nó không có được tối thiểu an sinh xã hội được bảo đảm bởi sự phân phối lao động, trao đổi thương mại, công bằng xã hội, và quyền chính trị của công dân”. (139)
  3. Bác ái đích thực có thể tháp nhập tất cả các yếu tố ấy trong mối quan tâm của nó đối với người khác. Trong trường hợp những cuộc gặp gỡ cá nhân, bao gồm những cuộc gặp gỡ một người anh chị em ở xa hoặc bị lãng quên, nó có thể sử dụng tất cả các nguồn lực mà các cơ chế của một xã hội có tổ chức, tự do, và sáng tạo có thể tạo ra. Ngay cả Người Samari Tốt Lành, chẳng hạn, đã cần có một quán trọ gần đó cung cấp sự trợ giúp mà tự anh ta không thể cung cấp được. Tình yêu tha nhân thì cụ thể, và nó dùng mọi nguồn lực cần thiết để mang lại sự thay đổi lịch sử có thể phục vụ cho lợi ích của người nghèo và những người thiếu may mắn. Tuy nhiên, có khi các ý thức hệ cánh tả hay các học thuyết xã hội nối kết với những phương thức hành động đậm tính cá nhân chủ nghĩa, và với những thủ tục kém hiệu quả, chỉ có tác dụng đối với một ít người, trong khi đa số người bị bỏ lại đằng sau vẫn phụ thuộc vào thiện chí của những kẻ khác. Điều này cho thấy cần phải có một tình huynh đệ lớn hơn, nhưng cũng cần một tổ chức hữu hiệu trên khắp thế giới, để giúp giải quyết các vấn đề đang đè nặng trên những người bị bỏ rơi, là những người đang khốn khổ và đang chết tại những nước nghèo. Điều này cũng cho thấy rằng không có một giải pháp, một phương pháp có triển vọng, một mô hình kinh tế nào có thể được áp dụng cách không phân biệt cho tất cả. Ngay cả những nghiên cứu khoa học chặt chẽ nhất cũng có thể đề ra những cách làm khác nhau.
  4. Như thế, mọi sự tùy thuộc vào khả năng chúng ta nhận hiểu rằng cần phải thay đổi trái tim, các thái độ và các lối sống. Nếu chẳng vậy, sự tuyên truyền chính trị, truyền thông, và những người dẫn dắt công luận sẽ tiếp tục quảng bá một văn hóa cá nhân chủ nghĩa thiếu phê bình, bị thao túng bởi những lợi ích kinh tế vô độ và những cơ chế liên kết, để phục vụ cho những người vốn nắm giữ quá nhiều quyền lực. Sự phê bình của tôi đối với kiểu thức kỹ trị thì không chỉ liên quan đến ý tưởng rằng nếu kiểm soát những thái quá của nó thì mọi sự sẽ ổn. Nguy hiểm lớn hơn không đến từ những đối tượng chuyên biệt, những thực tại vật chất, hay những cơ chế, nhưng đến từ cách thức mà chúng được dùng. Nó liên hệ tới sự yếu đuối của con người, tới xu hướng ích kỷ vốn thuộc về cái mà truyền thống Kitô giáo gọi là “lòng dục”: xu hướng trong đó con người chỉ bận tâm tới chính mình, nhóm của mình, những lợi ích nhỏ nhen của mình. Lòng dục không phải là một sự xấu xa chỉ có trong thời chúng ta. Nó vẫn có ngay từ thuở ban đầu của nhân loại, và chỉ đơn giản thay đổi và mặc lấy những hình thức khác nhau qua các thời đại, sử dụng bất cứ phương tiện nào mà mỗi giai đoạn trong lịch sử có thể cung ứng. Tuy nhiên, lòng dục có thể được vượt qua với sự trợ giúp của Thiên Chúa.
  5. Nuôi dưỡng và giáo dục, quan tâm tới người khác, một cái nhìn toàn nhập về đời sống, và sự trưởng thành tâm linh: tất cả những điều này là thiết yếu cho các mối tương quan chất lượng của con người, và cho việc giúp chính xã hội chống lại những bất công, sai lạc, và những lạm dụng sức mạnh kinh tế, công nghệ, chính trị, và truyền thông. Một số phương pháp tiếp cận mang tính tự do chủ nghĩa bỏ qua yếu tố này của thân phận yếu đuối con người; họ hình dung một thế giới đi theo một trật tự được ấn định, có thể tự nó bảo đảm một tương lai tươi sáng và cung cấp những giải pháp cho mọi vấn đề.
  6. Thị trường tự nó không thể giải quyết mọi vấn đề, dù chúng ta bị tuyên truyền để tin vào cái tín điều của tân phái tự do này đến mấy đi nữa. Dù gặp loại thách đố nào, trường phái tư tưởng nghèo nàn và chán ngắt này vẫn luôn đưa ra cùng một công thức ấy! Tân phái tự do sinh sản đơn giản bằng cách viện đến những thuyết huyền bí về “tràn bờ” hay “rỉ giọt” – dù không gọi tên như thế – để làm giải pháp duy nhất cho các vấn đề xã hội. Người ta không lưu tâm đủ sự kiện rằng cái gọi là “tràn bờ” không giải quyết được sự bất bình đẳng vốn sinh ra những hình thức bạo lực mới đe dọa cấu trúc xã hội. Cần phải có một chính sách kinh tế tích cực nhắm đến “việc thúc đẩy một nền kinh tế hỗ trợ cho sự đa dạng trong sản xuất và sự sáng tạo trong kinh doanh” (140) và giúp tạo ra chứ không cắt giảm việc làm. Việc đầu cơ tài chánh cốt nhắm đến lợi nhuận tức thời tiếp tục cho thấy sự tàn phá của nó. Thật vậy, “không có những hình thức bảo đảm sự liên đới và tín nhiệm lẫn nhau, thị trường không thể chu toàn chức năng kinh tế của nó. Và ngày nay sự tín nhiệm này đã không còn”. (141) Câu chuyện đã không kết thúc theo cách nó được nhắm đến, và cái công thức giáo đều của thuyết kinh tế đang phổ biến kia được chứng minh là không bất khả ngộ. Sự mong manh của các hệ thống thế giới khi đứng trước cơn đại dịch đã cho thấy rằng không phải mọi sự có thể được giải quyết bởi thị trường tự do. Nó cũng cho thấy rằng ngoài việc phục hồi một đời sống chính trị lành mạnh, không tùng phục các thế lực tài chánh, “chúng ta phải đặt phẩm giá con người trở lại vị trí trung tâm, và trên cột trụ đó chúng ta xây dựng những cơ cấu xã hội khác mà mình cần”. (142)
  7. Chẳng hạn, trong một số chính sách kinh tế khép kín và đơn điệu dường như không có chỗ cho các phong trào đại chúng liên kết những người thất nghiệp, những người lao động tạm thời và không biên chế, và nhiều người khác vốn không dễ tìm được một chỗ trong các cơ cấu hiện hành. Nhưng những phong trào đó có thể điều hành các hình thức khác nhau của nền kinh tế đại chúng và của lối sản xuất cộng đồng. Điều cần ở đây là một mô hình tham gia xã hội, chính trị, và kinh tế “có thể bao gồm các phong trào đại chúng và những cơ cấu quản trị quốc tế, quốc nội, và địa phương đầy năng động, với nguồn năng lực đạo đức phát xuất từ việc bao gồm những người bị loại bỏ trong công cuộc kiến tạo một định mệnh chung”, trong khi cũng bảo đảm rằng “những kinh nghiệm liên đới này – trỗi lên từ đại chúng, từ sát đất – có thể tập họp với nhau, được phối kết nhiều hơn, và tiếp tục gặp gỡ nhau”. (143) Nhưng điều này phải diễn ra trong cách thế sao cho không phản bội lại cung cách hành động đặc sắc của mình trong tư cách là “những người gieo mầm thay đổi, những người cổ võ một tiến trình liên can tới hàng triệu hành động, lớn và nhỏ, được đan kết với nhau một cách đầy sáng tạo như những từ ngữ trong một bài thơ”. (144) Theo nghĩa đó, những phong trào như thế là “những nhà thơ xã hội” – theo cách riêng của mình, những phong trào này làm việc, đề nghị, thúc đẩy, và giải phóng. Những phong trào này góp phần vào công cuộc phát triển nhân bản toàn diện, vượt quá “cái ý tưởng về các chính sách xã hội là chính sách cho người nghèo, nhưng lại không bao giờ với người nghèo và của người nghèo, càng không phải là thành phần của một dự án đoàn kết các dân tộc”. (145) Các phong trào này có thể gây hoang mang, và một số “lý thuyết gia” có thể thấy rằng khó mà phân loại chúng, nhưng chúng ta phải có can đảm để nhìn nhận rằng nếu không có chúng thì “dân chủ sẽ suy vong, hóa thành một từ ngữ suông, một thể thức; nó đánh mất đặc tính tiêu biểu của nó và trở thành không có xác thịt, vì nó bỏ mặc dân chúng trong cuộc đấu tranh hằng ngày cho phẩm giá của họ, trong công cuộc xây dựng tương lai của họ”. (146)

SỨC MẠNH QUỐC TẾ

  1. Một lần nữa tôi muốn ghi nhận rằng “cơn khủng hoảng tài chính hồi năm 2007-08 đã cung cấp cơ hội để phát triển một nền kinh tế mới, chú ý nhiều hơn đến các nguyên tắc đạo đức, và những cách thức mới để điều tiết những hoạt động đầu cơ tài chánh và sự giàu ảo. Nhưng cách đáp trả cơn khủng hoảng ấy đã không bao gồm việc suy nghĩ lại về những tiêu chuẩn lỗi thời vẫn tiếp tục cai trị thế giới”. (147) Thật vậy, dường như những chiến lược thực tế được phát triển sau cơn khủng hoảng ấy đã thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, ít tính hội nhập hơn, và thêm sự tự do cho những người thực sự có thế lực, là những người luôn tìm được cách để tránh bị thiệt hại.
  2. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng “việc trao cho mỗi người cái thuộc về họ – là định nghĩa kinh điển về sự công bằng – có nghĩa rằng không cá nhân hay nhóm người nào có thể xem mình là tuyệt đối, được quyền bỏ qua phẩm giá và quyền của các cá nhân khác hay những nhóm xã hội của họ. Sự phân phối hữu hiệu quyền lực (nhất là sức mạnh chính trị, kinh tế, khả năng bảo vệ, và công nghệ) giữa rất nhiều chủ thể, và việc tạo ra một hệ thống pháp lý để điều chỉnh những đòi hỏi và những lợi ích, là một cách cụ thể để giới hạn quyền lực. Nhưng thế giới ngày nay cho chúng ta thấy nhiều quyền không đúng, và đồng thời cũng cho thấy nhiều nhóm người rất chênh vênh là nạn nhân của sự hành xử quyền lực cách tồi tệ”. (148)
  3. Thế kỷ 21 “đang chứng kiến một sự suy yếu quyền lực của các nhà nước, chủ yếu bởi vì các bộ phận kinh tế và tài chánh, do có tính liên quốc gia, có khuynh hướng tràn sang lãnh vực chính trị. Đứng trước tình hình này, thật thiết yếu việc phác họa các cơ chế quốc tế được tổ chức vững mạnh hơn và hiệu năng hơn, với những nhân sự được bổ nhiệm hoàn toàn bởi sự đồng thuận của chính quyền các quốc gia, và được trao quyền lực để đưa ra các phán quyết”. (149) Khi chúng ta nói về khả năng của một số dạng quyền bính thế giới được điều chỉnh bởi luật, (150) chúng ta không nhất thiết nghĩ về một thẩm quyền cá nhân. Tuy nhiên, một thẩm quyền như thế phải ít nhất thúc đẩy những tổ chức thế giới hữu hiệu hơn, được trang bị với quyền lực để phục vụ cho thiện ích toàn cầu, loại bỏ đói nghèo và bảo vệ vững chắc các quyền căn bản của con người.
  4. Về phương diện này, tôi cũng muốn lưu ý cần phải cải cách “Tổ chức Liên Hiệp Quốc, cũng như các cơ chế kinh tế và tài chánh quốc tế, để ý niệm về gia đình các dân tộc có thể đạt được thực sự”. (151) Hiển nhiên là điều này đòi phải có những giới hạn pháp lý rõ ràng, để tránh cho quyền lực khỏi bị thao túng bởi một vài nước, và để đề phòng những áp đặt văn hóa hay sự hạn chế các quyền tự do căn bản của những nước yếu, do những khác biệt ý thức hệ. Vì “cộng đồng quốc tế là một cộng đồng có tính pháp lý được thiết lập dựa trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, nên không có những ràng buộc gây ra sự lệ thuộc và làm mất đi hay hạn chế sự độc lập của mỗi quốc gia”. (152) Đồng thời, “công việc của Liên Hiệp Quốc – theo các nguyên tắc được nêu trong Lời Mở Đầu và trong các Điều Khoản đầu tiên của bản Hiến Chương thành lập – có thể được hiểu là phát triển và cổ võ tinh thần pháp trị, dựa trên sự nhìn nhận rằng công lý là một điều kiện thiết yếu để đạt được lý tưởng tình huynh đệ phổ quát… Cần phải bảo đảm tính pháp trị và cần kiên trì dùng việc thương thuyết, sự trung gian và trọng tài, như được đề ra trong bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc vốn là chuẩn mực pháp lý nền tảng”. (153) Cần phải phòng tránh tình trạng Tổ Chức này bị mất hiệu lực, vì các vấn đề và những khuyết điểm của nó có thể được cùng nhau xem xét và giải quyết.
  5. Sự can đảm và lòng quảng đại rất cần để sẵn sàng đặt ra những mục tiêu chung và bảo đảm rằng một số chuẩn mực thiết yếu sẽ được tôn trọng trên khắp thế giới. Để điều này thực sự hữu ích, thật quan trọng “việc trung thành với những hiệp ước đã được ký kết (pacta sunt servanda)”, (154) và tránh “cái cám dỗ nại đến luật của sức mạnh thay vì nại đến sức mạnh của luật”. (155) Điều này đòi phải củng cố “những công cụ pháp lý để giải quyết các mâu thuẫn một cách hòa bình… để tăng cường qui mô và sức ràng buộc của chúng”. (156) Trong số các công cụ pháp lý này, nên dành ưu tiên cho những hiệp ước đa phương giữa các quốc gia, vì – hơn các hiệp ước song phương – chúng bảo đảm sự thăng tiến thiện ích chung thực sự phổ quát và bảo vệ những nước yếu hơn.
  6. Đáng mừng là có nhiều nhóm và nhiều tổ chức xã hội dân sự giúp bù đắp cho những khiếm khuyết của cộng đồng quốc tế và sự thiếu phối kết của nó trong những tình hình phức tạp, cũng như bù đắp cho sự thiếu lưu tâm của nó đối với các quyền căn bản của con người và các nhu cầu của một số nhóm. Ở đây chúng ta có thể nhìn thấy một áp dụng cụ thể của nguyên tắc bổ trợ, là nguyên tắc biện minh cho sự tham dự và hoạt động của các cộng đồng và các tổ chức ở bình diện thấp hơn, như một phương tiện để hội nhập và bổ sung cho hoạt động của nhà nước. Các nhóm và các tổ chức này thường thực hiện những nỗ lực đáng quí để phục vụ công ích, và các thành viên đôi khi cho thấy tính cách anh hùng thật sự, biểu lộ một cái gì đó của tinh thần cao thượng vẫn còn trong khả năng của nhân loại chúng ta.

BÁC ÁI CÓ TÍNH CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI

  1. Đối với nhiều người hôm nay, chính trị là một từ gây kinh tởm, thường do những sai lầm, tham nhũng và thiếu hiệu năng của một số chính khách. Cũng có những cố gắng để hạ giá chính trị, thay thế nó bằng kinh tế hoặc ép nó vào một ý thức hệ nào đó. Nhưng phải chăng thế giới chúng ta có thể vận hành mà không có chính trị? Phải chăng có một cách thế hữu hiệu để phát triển tình huynh đệ phổ quát và hòa bình trong xã hội mà không cần một đời sống chính trị lành mạnh? (157)

Loại chính trị mà chúng ta cần

  1. Ở đây một lần nữa tôi muốn ghi nhận rằng “chính trị không được lệ thuộc kinh tế, kinh tế cũng không được lệ thuộc vào những mệnh lệnh của kiểu thức kỹ trị duy hiệu năng”. (158) Mặc dù sự dùng quyền lực cách sai trái, nạn tham nhũng, sự xem thường luật pháp và sự thiếu hiệu năng phải bị loại trừ cách rõ ràng, nhưng “kinh tế mà không có chính trị thì không thể được biện minh, vì điều này sẽ cản trở việc chọn những cách khác để xử lý những khía cạnh khác nhau của cơn khủng hoảng hiện nay”. (159) Thay vào đó, “điều cần thiết là một nền chính trị có viễn kiến, và có khả năng đạt được một cách tiếp cận mới có tính hội nhập các qui phạm, để xử lý những khía cạnh khác nhau của cơn khủng hoảng”. (160) Nói cách khác, “một “nền chính trị lành mạnh… sẽ có khả năng cải cách và phối kết các cơ chế, thúc đẩy những thực hành tốt nhất, vượt qua những áp lực không đáng và sức ì quan liêu”. (161) Chúng ta không thể kỳ vọng kinh tế làm công việc này, chúng ta cũng không cho phép kinh tế chiếm quyền lực thật sự của quốc gia.
  2. Đứng trước nhiều hình thức chính trị nhỏ nhen tập chú vào những lợi ích tức thời, tôi muốn nhắc lại rằng “nghệ thuật quản lý nhà nước được thể hiện rõ khi ở trong những thời khắc khó khăn chúng ta thượng tôn những nguyên tắc cơ bản và nghĩ đến thiện ích chung lâu dài. Các quyền lực chính trị sẽ không cảm thấy dễ dàng việc đảm nhận nhiệm vụ này trong công việc xây dựng đất nước”, (162) càng không dễ dàng việc rèn đúc một dự án chung cho gia đình nhân loại, hiện nay và trong tương lai. Việc nghĩ đến những người thuộc các thế hệ sau này sẽ không phục vụ cho các mục đích tranh cử, nhưng đó chính là điều mà công lý đích thực đòi hỏi. Như các giám mục Bồ Đào Nha đã khuyến dụ, trái đất “được trao cho mỗi thế hệ, để trao lại cho thế hệ đến sau”. (163)
  3. Xã hội toàn cầu đang chịu đựng những khiếm khuyết trầm trọng có tính cơ cấu, không thể được giải quyết bởi những biện pháp manh mún hay những sửa chữa tạm thời. Nhiều điều cần thay đổi, xuyên qua sự cải cách nền tảng và sự đổi mới thật cốt yếu. Chỉ một nền chính trị lành mạnh mới có khả năng điều hành tiến trình này, nhờ huy động nhiều bộ phận và nhiều kỹ năng đa dạng. Một nền kinh tế được hội nhập trong một chương trình chính trị, xã hội, văn hóa, và đại chúng – được định hướng phục vụ công ích – có thể mở đường cho “những khả năng khác nhau, trong đó sự sáng tạo của con người và những lý tưởng tiến bộ không bị tê liệt, nhưng đúng hơn năng lực ấy được điều hướng theo những kênh mới”. (164)

Đức ái chính trị

  1. Nhìn nhận rằng mọi người là anh chị em của chúng ta, và tìm kiếm các hình thức thân hữu xã hội bao gồm được mọi người, đó không chỉ là một lý tưởng. Nó đòi hỏi một sự dấn thân có tính quyết định để phác họa những phương tiện hữu hiệu cho mục đích này. Mọi cố gắng theo chiều hướng này sẽ chính là một thực thi bác ái rất cao quí. Đành rằng các cá nhân có thể giúp đỡ những người khác đang cần, nhưng khi các cá nhân liên kết với nhau khởi động các tiến trình xã hội để mưu cầu tình huynh đệ và công lý cho tất cả, thì đó là họ đi vào “lãnh vực bác ái rộng lớn nhất, gọi là bác ái chính trị”. (165) Điều này đòi hỏi phải kiến tạo một trật tự xã hội và chính trị, mà linh hồn của nó là bác ái xã hội. (166) Một lần nữa, tôi kêu gọi một sự trân trọng mới mẻ đối với chính trị hiểu như “một ơn gọi cao quí và là một trong những hình thức cao nhất của bác ái, trong mức độ nó tìm kiếm thiện ích chung”. (167)
  2. Mọi sự dấn thân được cảm hứng từ học thuyết xã hội của Giáo hội đều “được rút ra từ bác ái, mà theo giáo huấn của Chúa Giêsu thì bác ái là tổng hợp của toàn thể Lề Luật (x. Mt 22,36-40)”. (168) Điều này có nghĩa là nhìn nhận rằng “tình yêu, chảy tràn với những cử chỉ nhỏ diễn tả sự quan tâm lẫn nhau, thì cũng có ý nghĩa công dân và chính trị, và nó thể hiện nơi mọi hành động tìm cách xây dựng một thế giới tốt hơn”. (169) Vì thế, bác ái tìm cách diễn tả không chỉ trong những mối tương quan gần gũi và mật thiết, mà còn trong “những tương quan vĩ mô: xã hội, kinh tế và chính trị”. (170)
  3. Bác ái chính trị này phát xuất từ một ý thức xã hội siêu vượt trên mọi não trạng cá nhân chủ nghĩa: “Bác ái xã hội làm cho chúng ta yêu quí thiện ích chung”, nó thúc đẩy ta tìm kiếm một cách hiệu quả sự tốt lành cho mọi người, được nhìn không chỉ như những cá nhân hay những ngôi vị riêng biệt, mà còn trong chiều kích xã hội liên kết họ với nhau”. (171) Mỗi chúng ta là một nhân vị cách trọn vẹn khi chúng ta là thành phần của một dân; đồng thời, không có các dân tộc nếu không có sự tôn trọng cá thể tính của mỗi con người. “Dân” và “người” là những thuật ngữ tương liên. Tuy nhiên, ngày nay có những cố gắng giảm trừ con người đến chỉ còn là những cá nhân cô lập, dễ dàng bị dẫn dắt bởi những quyền lực theo đuổi các lợi ích bất minh. Nền chính trị tốt sẽ tìm những cách thế xây dựng các cộng đồng ở mọi cấp độ đời sống xã hội, để hiệu chỉnh và định hướng lại sự toàn cầu hóa và nhờ đó tránh những hậu quả tai hại của nó.

Đức ái hữu hiệu

  1. “Tình yêu có tính xã hội” (172) giúp người ta có thể tiến tới một nền văn minh tình thương, điều mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy mình được kêu gọi. Bác ái, với xung năng hướng tới tính phổ quát của nó, có khả năng xây dựng một thế giới mới. (173) Không phải là cảm tính đơn thuần, nó là phương tiện tốt nhất để khám phá những nẻo đường hiệu quả cho sự phát triển của mọi người. Tình yêu có tính xã hội là một “lực có khả năng khơi gợi những cách thức mới để tiếp cận các vấn đề của thế giới ngày nay, để đổi mới cách sâu xa các cơ cấu, các tổ chức xã hội, và các hệ thống pháp lý từ bên trong”. (174)
  2. Bác ái nằm ở trung tâm của mọi xã hội cởi mở và lành mạnh, nhưng ngày nay “nó dễ dàng bị loại bỏ vì bị cho là không phù hợp cho việc giải thích và hướng dẫn trách nhiệm luân lý”. (175) Bác ái, khi được đi kèm bởi một thái độ dấn thân cho sự thật, thì không chỉ là cảm nghĩ cá nhân, và do đó không nên bị nhầm lẫn với những cảm xúc và quan điểm chủ quan xảy đến bất chợt”. (176) Thật vậy, mối liên hệ mật thiết của nó với sự thật củng cố tính phổ quát của nó, và giữ cho nó khỏi “bị giới hạn nơi một không gian chật hẹp thiếu vắng các tương quan”. (177) Nếu không, nó sẽ “bị loại khỏi các kế hoạch và các tiến trình thúc đẩy sự phát triển nhân bản trên bình diện phổ quát, trong cuộc đối thoại giữa tri và hành”. (178) Nếu không có sự thật, cảm xúc sẽ thiếu nội dung tương quan và xã hội. Sự mở ra của bác ái đối với sự thật, vì thế, sẽ bảo vệ nó khỏi “một chủ nghĩa duy tín tước mất tầm vóc nhân bản và phổ quát của nó”. (179)
  3. Bác ái cần ánh sáng của sự thật mà chúng ta không ngừng tìm kiếm. “Đó vừa là ánh sáng của lý trí vừa là ánh sáng của đức tin”, (180) và không chấp nhận bất cứ hình thức nào của chủ trương tương đối. Nhưng nó cũng tôn trọng sự phát triển của các khoa học và sự đóng góp thiết yếu của chúng cho việc tìm ra phương tiện chắc chắn nhất và thực tiễn nhất để đạt được các kết quả mong muốn. Vì khi thiện ích của người khác bị đe dọa, thì những ý hướng tốt lành mà thôi sẽ không đủ. Các cố gắng cụ thể phải được thực hiện để đem lại bất cứ gì mà người ta và đất nước của họ cần cho công cuộc phát triển.

THỰC THI ĐỨC ÁI CHÍNH TRỊ

  1. Có một loại tình yêu rất “thúc bách”: những hành động của nó được thúc đẩy trực tiếp từ bác ái và được hướng đến các cá nhân và các dân tộc. Cũng có một tình yêu rất “khơi động”, được diễn tả trong những hành động của lòng bác ái nhằm kiến tạo những cơ chế lành mạnh hơn, những qui định công bằng hơn, những cơ cấu có sức nâng đỡ hơn. (181) Nghĩa là, “đó là loại hành động yêu thương cũng tất yếu không kém, nhằm cố gắng tổ chức và cơ cấu xã hội sao cho những người láng giềng của mình sẽ không còn thấy họ ở trong cảnh nghèo nữa”. (182) Đó là một hành động của lòng bác ái để trợ giúp ai đó đau khổ, nhưng đó cũng là một hành động của lòng bác ái để giúp thay đổi thân phận xã hội gây ra đau khổ cho người ta, cho dù chúng ta không biết họ. Nếu một người nào đó giúp một cụ già lội qua một con sông, đó là một hành động bác ái tốt đẹp. Đàng khác, các chính khách xây dựng những cây cầu, thì đó cũng là một hành động bác ái. Trong khi một người có thể giúp một người khác bằng cách chia sẻ cái gì đó để ăn, thì các chính khách tạo ra việc làm cho người kia, và như vậy đang thực hành một hình thức bác ái cao độ làm cho hoạt động chính trị của mình nên tôn quí.

Những hy sinh xuất phát từ đức ái

  1. Lòng bác ái này, là cốt lõi tâm linh của chính trị, luôn luôn là một tình yêu ưu tiên thể hiện với những người đang gặp khó khăn nhất; nó là bệ đỡ mọi việc chúng ta làm để phục vụ họ. (183) Chỉ một cái nhìn bởi lòng bác ái có thể làm cho phẩm giá của người khác được nhìn nhận, và nhờ đó người nghèo được đón nhận và trân trọng trong phẩm giá của họ, được tôn trọng trong căn tính và văn hóa của họ, và như thế được hội nhập thực sự vào xã hội. Cái nhìn ấy nằm ở trung tâm của tinh thần chính trị đích thực. Nó nhìn thấy những nẻo đường mở ra, khác hẳn với những nẻo đường của một chủ nghĩa thực dụng vô hồn. Nó làm chúng ta nhận ra rằng “vấn đề nghèo đói không thể được xử lý bằng cách thúc đẩy những chiến lược ngăn chặn chỉ nhằm xoa dịu người nghèo và làm cho họ ngoan ngoãn dễ bảo. Thật buồn biết bao khi chúng ta thấy đằng sau những công cuộc được gọi là bác ái, người khác bị giảm trừ đến chỉ còn thụ động”. (184) Điều cần là phải có những nẻo đường mới để biểu lộ chính mình và tham gia trong xã hội. Giáo dục phục vụ cho những mục đích này qua việc tạo điều kiện cho mỗi người kiến tạo tương lai của chính mình. Ở đây chúng ta cũng thấy tầm quan trọng của nguyên tắc bổ trợ, vốn không tách rời khỏi nguyên tắc liên đới.
  2. Những xem xét này giúp chúng ta nhận ra nhu cầu khẩn thiết phải chiến đấu chống lại tất cả những gì đe dọa hay xâm phạm các quyền căn bản của con người. Các chính khách được kêu gọi “chăm sóc nhu cầu của các cá nhân và các dân tộc. Việc chăm sóc những người khó khăn cần đến sức mạnh và sự dịu dàng, sự cố gắng và lòng quảng đại, trong bối cảnh của não trạng công chức và riêng tư hóa tất yếu dẫn đến ‘văn hóa vứt bỏ’… Nó liên can đến việc nhận trách nhiệm về hiện trạng, với những hoàn cảnh bị loại trừ và khốn khổ nhất, và liên can tới khả năng đem lại phẩm giá cho người ta trong những hoàn cảnh ấy”. (185) Nó cũng thúc đẩy những nỗ lực quyết liệt để bảo đảm rằng “mọi sự phải được làm nhằm bảo vệ vị thế và phẩm giá của nhân vị”. (186) Các chính khách là những tác nhân, những người xây dựng, với những hoài bão lớn, có một tầm nhìn rộng, thực tiễn và hiện thực để nhìn thấy xa hơn các biên giới của mình. Mối quan tâm lớn nhất của họ không nên là từng lá phiếu bầu, mà nên hướng về việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu cho “hiện tượng loại trừ về kinh tế và xã hội, với những hậu quả đầy tàn phá của nó: nạn buôn người, thị trường mô và nội tạng con người, nạn khai thác tình dục các trẻ trai và gái, lao động khổ sai, nạn mại dâm, buôn bán ma túy và vũ khí, nạn khủng bố và tội phạm quốc tế có tổ chức. Đó là tầm rộng của những hoàn cảnh này và hậu quả của nó trên những mảnh đời vô tội, vì thế chúng ta phải tránh mọi cám dỗ rơi vào một thứ chủ nghĩa duy danh với những tuyên bố suông nhằm làm yên ổn lương tâm mình. Chúng ta cần bảo đảm rằng các cơ chế của chúng ta thật sự hữu hiệu trong cuộc đấu tranh chống lại tất cả những thảm cảnh này”. (187) Điều này bao gồm việc tận dụng các nguồn lực lớn lao được cung ứng bởi sự phát triển công nghệ.
  3. Chúng ta vẫn còn xa viễn ảnh về một sự toàn cầu hóa các quyền căn bản nhất của con người. Vì thế chính trị thế giới cần xem việc xóa bỏ cách hữu hiệu tình trạng nghèo đói là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của mình. Thật vậy, “khi việc đầu tư tài chánh thao túng giá thực phẩm, xem đó chỉ như một thứ hàng hóa không hơn không kém, thì hàng triệu người phải chịu khốn khổ và chết vì đói. Đồng thời, hàng tấn thực phẩm bị vứt bỏ. Điều này làm nên một cớ vấp phạm thực sự. Nạn đói là tội ác; thực phẩm là một quyền bất khả nhượng”. (188) Rất thường, khi chúng ta đang tranh luận về ý thức hệ hay về ngữ nghĩa, thì chúng ta để cho anh chị em mình đang chết vì đói khát, vì không có nhà ở hay không được săn sóc y tế. Bên cạnh những nhu cầu căn bản vẫn còn chưa được đáp ứng này, nạn buôn người cho thấy một nguồn khác nữa của sự sỉ nhục nhân tính, một sự sỉ nhục mà chính trị quốc tế, vượt quá những diễn văn hùng hồn và những ý hướng tốt lành, không thể tiếp tục chấp nhận nữa. Đây là những điều thật cấp thiết, không thể trì hoãn.

Một đức ái hội nhập và liên kết

  1. Bác ái chính trị cũng được diễn tả trong một tinh thần mở ra với mọi người. Các lãnh đạo chính quyền phải là những người đầu tiên có những hy sinh để thúc đẩy việc gặp gỡ và tìm kiếm sự đòng thuận trong ít nhất một số vấn đề. Họ cần sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác và dành chỗ cho mọi người. Xuyên qua hy sinh và kiên nhẫn, họ có thể giúp tạo ra một thực tại đa diện xinh đẹp trong đó mọi người đều có chỗ. Ở đây, các cuộc thương thuyết kinh tế không tác dụng. Chúng ta cần một cái gì đó khác: đó là một sự trao đổi các ân ban để phục vụ thiện ích chung. Điều này nghe có vẻ ngây thơ và lý tưởng, nhưng chúng ta không thể từ bỏ mục đích cao quí này.
  2. Vào một thời mà những hình thức bất bao dung cực đoan khác nhau đang phá hoại tương quan giữa các cá nhân, các nhóm và các dân tộc, chúng ta hãy dấn thân sống và truyền bá giá trị của sự tôn trọng người khác, giá trị của một tình yêu có khả năng tiếp đón những khác biệt, và ưu tiên cho phẩm giá của mọi con người, bất kể các ý kiến, quan điểm, thực hành, và ngay cả tội lỗi của họ. Ngay cả dù đứng trước những hình thức của chủ nghĩa cực đoan, não trạng khép kín, và sự phân hóa xã hội và văn hóa đang tràn ngập hôm nay, một chính trị gia tốt sẽ trước hết lưu tâm sao cho các tiếng nói khác biệt được lắng nghe. Những bất đồng có thể dẫn đến xung đột, nhưng sự đồng nhất cũng làm tê liệt và dẫn tới suy bại về văn hóa. Ước gì chúng ta không hài lòng với tình trạng bị đóng kín trong một mảnh của thực tại.
  3. Về phương diện này, Đại giáo trưởng Ahmad Al-Tayyeb và tôi đã kêu gọi các “nhà thiết kế chính sách quốc tế và kinh tế thế giới tận tâm làm việc để lan tỏa văn hóa bao dung và sự sống chung hòa bình; để can thiệp sớm nhất nhằm chặn đứng sự đổ máu những người vô tội”. (189) Khi một chính sách nào đó nhân danh lợi ích của nước mình mà gieo rắc hận thù và sợ hãi nơi các nước khác, thì phải cảnh giác, phản ứng kịp thời và ngay lập tức điều chỉnh nó.

KHẢ NĂNG SINH SẢN QUAN TRỌNG HƠN KẾT QUẢ

  1. Bên cạnh hoạt động miệt mài của mình, các chính trị gia cũng là những con người nam và nữ. Họ được mời gọi diễn tả tình yêu trong các mối tương quan liên vị hằng ngày của mình. Trong tư cách là những con người, họ cần ghi nhận rằng “thế giới hiện đại, với những tiến bộ kỹ thuật của nó, có xu hướng ngày càng chức năng hóa việc đáp ứng những ao ước của con người, ngày nay được phân loại tỉ mỉ giữa các dịch vụ khác nhau. Người ta ngày càng ít được gọi bằng tên, con người độc đáo ngày càng ít được đối xử như một nhân vị với những cảm xúc, những đau khổ, những vấn đề, những niềm vui, và gia đình của mình. Họ đau ốm, người ta chỉ cần biết bệnh của họ để chữa; họ thiếu tiền, người ta chỉ cần chi tiền; họ không có nhà, người ta chỉ cần cung cấp chỗ ở; họ muốn nghỉ ngơi, giải trí, người ta chỉ cần đáp ứng nhu cầu đó”. Nhưng không bao giờ được quên rằng “việc yêu thương những con người hèn mọn nhất như anh chị em mình, như thể trên thế giới này chỉ có người ấy mà thôi, thì không thể bị xem là một sự phung phí thời gian”. (190)
  2. Chính trị cũng phải dành chỗ cho một tình yêu ân cần đối với người khác. “Ân cần là gì? Đó là tình yêu đẩy ta đến gần và trở thành rất thực. Một chuyển động khởi phát từ con tim chúng ta và đạt tới con mắt, lỗ tai, bàn tay… Ân cần là sự chọn lựa của những con người mạnh nhất và can đảm nhất”. (191) Giữa những bận tâm hằng ngày của đời sống chính trị, “những người bé nhỏ nhất, yếu ớt nhất, nghèo nhất phải chạm được trái tim chúng ta: thật vậy, họ có ‘quyền’ trên trái tim và linh hồn chúng ta. Họ là anh chị em chúng ta, vì thế, chúng ta phải yêu mến và chăm sóc họ”. (192)
  3. Tất cả điều này có thể giúp chúng ta nhận ra rằng điều quan trọng không phải là không ngừng đạt được những kết quả lớn, vì không thể luôn luôn như vậy. Trong hoạt động chính trị, chúng ta nên nhớ rằng “bất chấp những yếu tố bên ngoài, mọi con người đều rất thánh và đều xứng đáng với tình yêu của chúng ta. Vì thế, nếu tôi có thể giúp ít nhất một người có được cuộc sống tốt hơn, thì như vậy đã đủ biện minh cho việc tôi trao hiến sự sống của mình. Thật tuyệt vời được làm dân tín trung của Thiên Chúa. Chúng ta đạt được sự viên mãn khi chúng ta phá đổ các bức tường, và trái tim chúng ta được lấp đầy bởi những khuôn mặt và những cái tên!” (193) Những mục tiêu lớn của các giấc mơ và các kế hoạch của chúng ta chỉ có thể đạt được một phần. Nhưng vượt quá điều này, những ai yêu thương, và những ai không còn nhìn chính trị chỉ như một cuộc theo đuổi quyền lực, “có thể chắc chắn rằng không có một hành động yêu thương nào của chúng ta mất đi cả, cũng không mất đi một hành động nào chân thành quan tâm tới người khác cả. Không một hành động yêu mến Thiên Chúa nào sẽ bị mất, không một cố gắng quảng đại nào vô nghĩa, không một sự chịu đựng nỗi đau nào trở nên phung phí. Tất cả những điều này vây quanh thế giới chúng ta như một năng lực sống động”. (194)
  4. Vì thế, thật là cao quí việc đặt hy vọng của chúng ta nơi sức mạnh giấu ẩn của những hạt giống thiện hảo mà chúng ta gieo vãi, và qua đó khởi động các tiến trình mà hoa trái của chúng sẽ được gặt hái bởi người khác. Chính trị tốt sẽ kết hợp tình yêu với hy vọng, và với sự tin tưởng vào thiện căn trong trái tim con người. Thật vậy, “đời sống chính trị chân thực, được xây dựng trên sự tôn trọng luật pháp và sự thẳng thắn đối thoại giữa các cá nhân, thì không ngừng được đổi mới bất cứ khi nào người ta nhìn nhận rằng mọi con người nam nữ, và mọi thế hệ, đều mang triển vọng về những năng lực tương quan, tri thức, văn hóa và tâm linh mới mẻ”. (195)
  5. Được nhìn theo cách này, chính trị là một cái gì đó cao quí hơn là việc vận động, tiếp thị, và tuyên truyền. Những thứ này gieo chia rẽ, xung đột, và gieo một thái độ hoài nghi tiêu cực không có khả năng cổ vũ người ta theo đuổi thiện ích chung. Có những lúc, khi nghĩ về tương lai, chúng ta thực sự tự hỏi: “Tại sao tôi làm điều này?”, “Đâu là mục đích thật sự của tôi?” Vì khi thời gian trôi qua, nghĩ về quá khứ, những câu hỏi sẽ không là: “Bao nhiêu người ủng hộ tôi?”, “Bao nhiêu người bỏ phiếu cho tôi?”, “Bao nhiêu người có một hình ảnh tích cực về tôi?” Những câu hỏi thực sự, và có thể rất đau đớn, sẽ là: “Bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào công việc của mình?”, “Tôi đã làm gì cho sự tiến bộ của dân tộc mình?”, “Tôi đã để lại dấu ấn gì trong đời sống xã hội”, “Tôi đã tạo ra những mối gắn kết thực sự nào?”, “Tôi đã tác động được những lực tích cực nào?”, “Tôi đã gieo được bao nhiêu sự bình an trong xã hội?”, “Tôi đã đạt được những điều tốt đẹp nào trong chức vụ được ủy trao cho tôi?”

CHƯƠNG VI

ĐỐI THOẠI VÀ TÌNH THÂN HỮU TRONG XÃ HỘI

  1. Việc tiếp cận, nói, lắng nghe, nhìn, tiến tới biết nhau, và hiểu nhau, tìm kiếm thiện ích chung: tất cả những điều này được tóm kết trong một từ “đối thoại”. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ và giúp đỡ nhau, chúng ta phải đối thoại. Tôi không cần phải nhấn mạnh những ích lợi của đối thoại. Tôi chỉ thấy phải tự hỏi thế giới của chúng ta sẽ như thế nào nếu không có sự đối thoại kiên nhẫn của nhiều con người quảng đại, là những người giữ được sự gắn kết của các gia đình và các cộng đồng. Không giống như bất đồng và xung đột, việc kiên trì và can đảm đối thoại sẽ không gây tiếng vang, nhưng âm thầm giúp cho thế giới này sống tốt đẹp hơn chúng ta tưởng tượng.

ĐỐI THOẠI XÃ HỘI CHO MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI

  1. Một số người muốn trốn tránh thực tế, tị nạn trong thế giới nhỏ bé của họ; những người khác phản ứng lại thực tế bằng bạo lực đầy sức tàn phá. Nhưng “ngoài thái độ thờ ơ ích kỷ và thái độ phản kháng đầy bạo lực, luôn luôn còn một khả năng chọn lựa khác: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ; đối thoại giữa dân tộc chúng ta, vì chúng ta chính là dân tộc đó; sẵn sàng cho và nhận, trong khi vẫn mở ra với sự thật. Một quốc gia triển nở khi việc đối thoại xây dựng xảy ra giữa nhiều thành tố văn hóa phong phú của nó: văn hóa bình dân, văn hóa đại học, văn hóa giới trẻ, văn hóa nghệ thuật, văn hóa công nghệ, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình, và văn hóa truyền thông”. (196)
  2. Đối thoại thường bị nhầm lẫn với một cái gì đó rất khác: sự sôi nổi trao đổi ý kiến trên các mạng xã hội, thường dựa trên thông tin đại chúng vốn không luôn luôn đáng tin cậy. Những trao đổi này chỉ là những độc thoại đặt song song bên nhau. Chúng có thể lôi cuốn sự chú ý nào đó do âm giọng sắc bén và mạnh bạo của chúng. Nhưng độc thoại không lôi cuốn được ai, và nội dung của nó thường qui ngã và mâu thuẫn.
  3. Thật vậy, đủ thứ dữ kiện và quan điểm ồn ào trên truyền thông thường là một cản trở cho đối thoại, vì nó cho phép người ta cố bám vào những ý kiến, những sự quan tâm và những chọn lựa của mình, chắc mẩm rằng mọi người khác đều sai. Người ta dễ phỉ báng và xúc phạm đến đối thủ ngay từ đầu hơn là mở ra một cuộc đối thoại đầy sự tôn trọng nhằm đạt được đồng thuận ở một bình diện sâu hơn. Tệ hơn nữa, loại ngôn ngữ này, thường rút ra từ những vận động chính trị trên truyền thông, đã tràn lan đến nỗi trở thành một phần của đàm thoại hằng ngày. Việc tranh luận thường bị thao túng bởi những lợi ích có sức mạnh hơn muốn ma mãnh lôi kéo công luận ủng hộ mình. Loại thao túng này có thể thấy không chỉ nơi các chính quyền, mà còn nơi lãnh vực kinh tế, chính trị, truyền thông, tôn giáo, và những lãnh vực khác. Người ta có thể cố bao biện để phục vụ cho những lợi ích kinh tế hay ý thức hệ của mình, nhưng sớm hay muộn, nó sẽ chống lại chính những lợi ích đó.
  4. Ở đâu thiếu đối thoại thì có nghĩa rằng ở đó người ta không quan tâm đến công ích, nhưng chỉ tranh thủ quyền lực, hoặc giả chỉ là để tìm cách áp đặt các ý tưởng của mình. Những bàn tròn, như vậy, sẽ trở thành những cuộc thương lượng mà thôi, trong đó người ta cố nắm được mọi lợi điểm hết sức có thể, thay vì hợp tác mưu cầu thiện ích chung. Những người hùng của tương lai sẽ là những người có thể phá vỡ cái não trạng không lành mạnh này, và quyết tâm phụng sự cho sự thật với lòng tôn trọng, chứ không phải tìm lợi ích riêng. Mong sao, nhờ ơn Thiên Chúa, những người hùng như thế đang âm thầm xuất hiện, ngay cả hiện nay, giữa xã hội chúng ta.

Cùng nhau xây dựng

  1. Đối thoại xã hội chân thực đòi khả năng tôn trọng quan điểm của người khác, chấp nhận rằng quan điểm ấy có thể bao gồm những xác tín và những quan tâm chính đáng. Dựa trên căn tính và kinh nghiệm của mình, những người khác sẽ có phần đóng góp, và đáng mong ước rằng họ sẽ nêu rõ các quan điểm của họ để cuộc tranh luận công khai có được hoa trái nhiều hơn. Khi các cá nhân hay các nhóm nhất quán trong suy nghĩ của mình, bảo vệ các giá trị và các xác tín của mình, và phát triển các luận cứ của mình, thì điều này chắc chắn sẽ đem lại ích lợi cho xã hội. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi có sự đối thoại chân thực và mở ra với người khác. Thật vậy, “trong một tinh thần đối thoại đích thực, chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng nắm được ý nghĩa của những gì người khác nói và làm, ngay cả dù chúng ta không chấp nhận đó như là xác tín của chính chúng ta. Bằng cách này, chúng ta có thể thẳng thắn và cởi mở về các niềm tin của chúng ta, trong khi tiếp tục thảo luận, tìm kiếm những điểm tương đồng, và nhất là cùng nhau làm việc và phấn đấu”. (197) Việc tranh luận công khai, nếu nó chừa chỗ cho mọi người và không thao túng hay che giấu thông tin, là một sự thúc đẩy thường xuyên giúp nắm hiểu hơn sự thật, hay ít nhất là sự diễn tả tốt hơn về sự thật. Nó giữ cho người ta khỏi trở nên tự mãn và qui ngã trong nhãn giới của họ, và trong những bận tâm nhất định của họ. Chúng ta đừng quên rằng “những khác biệt có sức sáng tạo; chúng tạo ra căng thẳng, và trong khi hóa giải căng thẳng ấy thì nhân loại tiến bộ”. (198)
  2. Có một xác tín ngày càng rõ rằng cùng với những tiến bộ khoa học được chuyên môn hóa, chúng ta cần sự liên lạc nhiều hơn giữa các lãnh vực. Mặc dù thực tại là một, nó có thể được tiếp cận từ nhiều góc khác nhau và bằng những phương pháp khác nhau. Có nguy cơ rằng một tiến bộ khoa học nào đó sẽ được xem như lăng kính duy nhất khả dĩ để nhìn một khía cạnh nào đó của đời sống, của xã hội và thế giới. Các nhà nghiên cứu là chuyên gia trong lãnh vực riêng của mình, nhưng cũng quen thuộc với những khám phá của các khoa học và các qui phạm khác, họ sẽ có lợi điểm để phân định các khía cạnh khác thuộc đối tượng nghiên cứu của mình, và nhờ đó họ mở ra với sự hiểu biết bao quát và toàn vẹn hơn về thực tại.
  3. Trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay, “truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần nhau hơn, tạo ra cảm giác về sự hiệp nhất gia đình nhân loại, đến lượt nó sẽ khơi lên tình liên đới và những cố gắng nghiêm túc để bảo đảm một đời sống có phẩm giá hơn cho mọi người… Truyền thông có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc này, nhất là hôm nay, khi các mạng truyền thông của con người đạt được những tiến bộ chưa từng có. Cách riêng internet cung ứng những khả năng lớn lao cho sự gặp gỡ và liên đới. Đây là một điều thực sự tốt lành, một món quà của Thiên Chúa”. (199) Chúng ta cần không ngừng bảo đảm rằng những hình thức truyền thông hôm nay đang thực sự hướng dẫn chúng ta tới sự gặp gỡ đầy quảng đại với những người khác, sự chân thành theo đuổi sự thật trọn vẹn, sự phục vụ, sự gần gũi với những người kém may mắn, và sự cổ võ cho thiện ích chung. Như các giám mục Australia đã chỉ ra, chúng ta không thể chấp nhận “một thế giới kỹ thuật số được hoạch định để khai thác những điểm yếu của chúng ta và phơi ra những điều tồi tệ nhất nơi người ta”. (200)

Nền tảng của sự đồng thuận

  1. Chủ nghĩa tương đối không phải là giải pháp. Dưới danh nghĩa bao dung, chủ trương tương đối rốt cục phó thác việc giải thích các giá trị luân lý cho những người nắm giữ quyền lực, để họ xác định theo ý của họ. “Nếu thiếu các chân lý khách quan, hay thiếu những nguyên tắc lành mạnh vốn khác với sự thỏa mãn các ước vọng riêng và các nhu cầu trước mắt của chúng ta… thì chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ các nỗ lực chính trị hay sức mạnh của luật pháp thì đã đủ… Khi chính nền văn hóa bị suy bại, chân lý khách quan và các nguyên tắc có hiệu lực phổ quát không còn được trân trọng, thì luật pháp có thể chỉ được xem như những sự áp đặt độc đoán hay những cản trở cần phải tránh”. (201)
  2. Người ta có thể quan tâm đến chân lý, tìm kiếm chân lý đáp ứng ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống không? Luật pháp là gì nếu không có niềm xác tín từ sự khôn ngoan ngàn đời rằng mỗi con người là thánh thiêng và không thể bị xúc phạm? Nếu xã hội phải có một tương lai, thì nó phải tôn trọng sự thật về phẩm giá con người và tuân theo sự thật đó. Giết người là điều sai trái không chỉ vì điều đó không được xã hội chấp nhận và bị trừng phạt bởi luật pháp, nhưng bởi vì một niềm xác tín sâu xa hơn. Đây là một sự thật được thấy hiển nhiên nhờ việc sử dụng lý trí và được chấp nhận trong lương tâm. Một xã hội tốt và đáng trọng cũng bởi cảm thức của nó trong việc tìm kiếm chân lý, và sự gắn bó của nó với những chân lý căn bản nhất.
  3. Chúng ta cần học biết lột trần những cách thức khác nhau trong đó sự thật bị xuyên tạc, bóp méo và che giấu trong những cảnh vực công cũng như tư. Điều chúng ta gọi là “sự thật” thì không phải là sự tường thuật các dữ kiện và các biến cố, như ta thấy trên các tờ nhật báo. Đó chủ yếu là sự tìm kiếm những nền móng chắc chắn nâng đỡ các quyết định và luật pháp của chúng ta. Điều này giả thiết sự nhìn nhận rằng tâm trí con người có khả năng vượt trên những mối quan tâm trước mắt và nắm hiểu một số sự thật bất biến, bây giờ cũng như trong quá khứ. Như khi khảo sát bản tính con người, lý trí khám phá những giá trị phổ quát rút ra từ bản tính ấy.
  4. Nếu chẳng vậy, phải chăng người ta không thể quan niệm rằng những quyền căn bản của con người mà chúng ta hiện xem là không thể phủ nhận thì sẽ bị phủ nhận bởi những người nắm quyền lực, một khi họ đạt được “sự đồng thuận” của một đám dân thờ ơ hoặc nhát sợ? Duy chỉ sự đồng thuận giữa các dân tộc khác nhau – mà chính sự đồng thuận này cũng có thể bị bóp méo – thì không đủ để bảo vệ họ. Chúng ta có nhiều bằng chứng về khả năng rất tốt lành của mình, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận sức tàn phá nội tại nơi chúng ta. Sự dửng dưng và thái độ vô tâm của chủ nghĩa cá nhân mà chúng ta đã rơi vào, đó không phải cũng là hậu quả của việc chúng ta lười biếng theo đuổi những giá trị cao hơn vốn siêu vượt trên các nhu cầu nhất thời của mình đó sao? Chủ nghĩa tương đối luôn luôn mang cái nguy cơ rằng một sự thật được giả định nào đó sẽ bị áp đặt bởi kẻ nắm quyền lực hay bởi kẻ khôn khéo. Tuy nhiên, “khi đó là vấn đề về các qui tắc luân lý cấm chỉ sự dữ hiển nhiên, thì không có đặc quyền hay ngoại lệ cho bất cứ ai. Không có sự khác biệt nào, dù người ta là ông chủ của thế giới hay là ‘người nghèo nhất giữa những người nghèo’ trên mặt đất này. Trước những đòi hỏi của luân lý, tất cả chúng ta đều tuyệt đối bình đẳng với nhau”. (202)
  5. Điều hiện đang xảy ra, và lôi kéo chúng ta vào một lối suy nghĩ sai lầm và trống rỗng, đó là việc giảm trừ đạo đức và chính trị đến chỉ còn là vật lý. Tốt và xấu không còn tồn tại tự nơi chính nó; chỉ có một sự tính toán về những lợi ích hay những gánh nặng. Hậu quả của sự phế bỏ tư duy đạo đức, đó là luật pháp không còn được xem như sự phản ảnh một ý niệm nền tảng về công lý, mà chỉ như sự phản chiếu những ý niệm thời thượng. Đổ vỡ xảy ra: mọi sự bị “san bằng” bởi một sự đồng thuận nông cạn đã được mặc cả. Cuối cùng, luật của kẻ mạnh nhất sẽ thống trị.

Sự đồng thuận và sự thật

  1. Trong một xã hội đa nguyên, đối thoại là cách tốt nhất để nhận ra những điều luôn phải được khẳng định và tôn trọng, chứ không phải bất cứ sự đồng thuận tạm thời nào. Đối thoại như thế cần phải được bồi đắp và soi sáng bởi sự suy nghĩ rõ ràng, chứng cứ xác đáng, với nhiều nhãn giới khác nhau, và với sự đóng góp của những hiểu biết và những quan điểm từ các lãnh vực khác nhau. Nó cũng không thể loại trừ xác tín rằng người ta có thể đạt tới một số sự thật nền tảng vốn luôn được bảo vệ. Việc nhìn nhận sự tồn tại của một số giá trị bền vững, dù có thể khó phân định chúng đến mấy đi nữa, sẽ đem lại một nền đạo đức xã hội ổn định và chắc chắn. Một khi những giá trị nền tảng ấy được nhìn nhận và vận dụng xyên qua đối thoại và đồng thuận, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng vươn lên trên sự đồng thuận; chúng siêu vượt trên các hoàn cảnh cụ thể của chúng ta, và vẫn luôn bất khả thương lượng. Sự nhận hiểu của chúng ta về ý nghĩa và tầm vóc của chúng có thể tăng triển – và trong phương diện ấy, đồng thuận là một thực tại năng động – nhưng nơi chính chúng, chúng được giữ vững là nhờ ở ý nghĩa nội tại của chúng.
  2. Nếu một cái gì đó luôn luôn phục vụ cho sự vận hành tốt của xã hội, đấy không phải vì ở phía sau nó có một sự thật bền vững mà trí năng có thể tiếp cận đó sao? Gắn chặt trong bản tính của con người và xã hội có tồn tại một số cấu trúc căn bản nâng đỡ sự phát triển và sự tồn tại của chúng ta. Ở đây có một số yêu cầu, và người ta có thể khám phá những yêu cầu này xuyên qua đối thoại, ngay cả dù – nói cách chặt chẽ – chúng không được tạo ra bởi sự đồng thuận. Một số qui tắc là thiết yếu cho đời sống xã hội, sự kiện này là dấu cho thấy rằng những qui tắc ấy thì tốt tự nơi chúng. Vì thế, không cần phải chống lại những lợi ích của xã hội, của sự đồng thuận, và của thực tế về sự thật khách quan. Ba thực tại này có thể được hòa hợp bất cứ khi nào qua đối thoại người ta không sợ đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề.
  3. Phẩm giá của người khác phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, không phải vì phẩm giá ấy là một cái gì chúng ta đã phát minh hay tưởng tượng ra, nhưng bởi vì con người sở hữu một giá trị nội tại vượt trên giá trị của các đồ vật và các hoàn cảnh bất tất. Điều này đòi hỏi rằng con người phải được cư xử một cách khác. Mọi người đều sở hữu một phẩm giá bất khả nhượng, đó là một sự thật tương hợp với bản tính con người, không phụ thuộc vào mọi thay đổi văn hóa. Vì lý do này, mọi người có cùng phẩm giá bất khả xúc phạm trong mọi thời đại lịch sử, và không ai có thể xem mình có quyền – do những hoàn cảnh nào đó – bác bỏ niềm xác tín này hay hành động chống lại nó. Trí năng có thể điều tra thực tại của các sự vật xuyên qua suy tư, kinh nghiệm, và đối thoại, và đi đến nhận ra trong thực tại ấy – vốn siêu vượt trên trí năng – nền tảng của một số mệnh lệnh luân lý phổ quát.
  4. Đối với những người chủ trương bất khả tri, nền tảng này có thể được thấy là đủ để trao hiệu lực phổ quát và vững chãi cho các nguyên tắc đạo đức căn bản và bất khả thương lượng có thể giúp thế giới ngăn ngừa các hiểm họa khác. Là người tin, chúng ta xác tín rằng bản tính con người, xét như nguồn của các nguyên tắc đạo đức, được tạo dựng bởi Thiên Chúa, và rằng rốt cục chính Thiên Chúa là Đấng trao cho các nguyên tắc ấy nền tảng vững chắc của chúng. (203) Điều này không dẫn tới một thứ đạo đức nghiệt ngã, cũng không dẫn tới việc áp đặt bất cứ một hệ thống luân lý nào, vì những nguyên tắc luân lý nền tảng và có hiệu lực phổ quát có thể được thể hiện trong những qui tắc thực tiễn khác nhau. Như vậy, sẽ luôn luôn có chỗ cho đối thoại.

MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI

  1. “Đời sống, dù với tất cả những sự đương đầu trong đó, là nghệ thuật gặp gỡ”. (204) Tôi vẫn thường kêu gọi việc phát triển một văn hóa gặp gỡ có khả năng vượt trên những khác biệt và chia rẽ. Điều này giả thiết phải làm việc để kiến tạo một ‘khối đa diện’ mà những cạnh khác nhau của nó hình thành một thực thể đa sắc, trong đó “cái toàn bộ thì lớn hơn từng phần”. (205) Hình ảnh một khối đa diện có thể biểu trưng một xã hội với những khác biệt bổ sung cho nhau, làm phong phú nhau, và chiếu sáng nhau, ngay cả giữa những bất đồng và những cái được giữ riêng. Mỗi chúng ta đều có thể học được điều gì đó từ những người khác. Không ai vô dụng và không ai đáng vứt bỏ đi. Điều này cũng giả thiết phải tìm cách để bao gồm những người ở các vùng ngoại biên cuộc sống. Vì họ có một cách khác để nhìn sự vật, nên họ nhìn thấy những khía cạnh của thực tại vốn không được nhìn thấy bởi các trung tâm quyền lực, là nơi mà các quyết định quan trọng được đưa ra.

Sự gặp gỡ trở thành văn hóa

  1. Từ “văn hóa” nói về một cái gì đó nằm sâu trong một dân tộc, những niềm xác tín được trân quí nhất của nó và lối sống của nó. “Văn hóa” của một dân tộc thì không chỉ là một ý niệm trừu tượng. Nó liên hệ với những khát vọng của người ta, những quan tâm của họ, và nói chung là lối sống của họ. Nói về một “văn hóa gặp gỡ” có nghĩa rằng chúng ta, trong tư cách một dân, nên sốt sắng gặp gỡ người khác, tìm kiếm những điểm chung, xây những nhịp cầu, vạch một dự án có bao gồm mọi người. Điều này trở thành một cảm hứng và một phong cách sống. Chủ thể của nền văn hóa này là dân chúng, chứ không duy chỉ là một bộ phận của xã hội ‘bình định’ phần còn lại, với sự trợ giúp của các nguồn lực chuyên môn và truyền thông.
  2. Hòa bình của xã hội đòi phải dày công và phải có kỹ năng. Việc dùng sự khéo léo và một số phương tiện để kiểm soát các quyền tự do và những sự khác biệt thì dễ hơn nhiều. Nhưng hòa bình như thế rất hời hợt và mong manh, không phải là hoa trái của một văn hóa gặp gỡ có khả năng đem lại sự ổn định lâu dài. Việc hội nhập những khác biệt là một tiến trình chậm chạp và khó hơn nhiều, nhưng điều đó mới bảo đảm cho một nền hòa bình đích thực và bền vững. Hòa bình ấy không đạt được bằng cách chỉ dựa vào những người sạch sẽ không tì vết, vì “ngay cả những người được xem là có vấn đề do các sai lỗi của họ thì cũng có điều gì đó để cống hiến mà chúng ta không được bỏ qua”. (206) Hòa bình cũng không đến từ sự dửng dưng với những đòi hỏi của xã hội, hay việc trấn áp những quấy rối, bởi vì nó không phải là “một sự đồng thuận trên giấy tờ, hay một hòa bình tạm bợ cho một thiểu số hài lòng”. (207) Điều quan trọng là tạo ra những tiến trình gặp gỡ, những tiến trình xây dựng một dân tộc có thể chấp nhận những khác biệt. Chúng ta hãy trang bị cho con cái mình vũ khí đối thoại! Chúng ta hãy dạy cho chúng chiến đấu trong cuộc chiến của nền văn hóa gặp gỡ!

Niềm vui của việc nhìn nhận người khác

  1. Tất cả những điều này yêu cầu phải nhận thức rằng người khác có quyền trở nên chính họ và có quyền khác với mình. Sự nhìn nhận này, khi trở thành một văn hóa, sẽ giúp tạo ra một khế ước xã hội. Nếu không có sự nhìn nhận này, người ta sẽ tìm những cách tế nhị để làm cho người khác trở thành không quan trọng, không phù hợp, và không có giá trị gì đối với xã hội. Trong khi tẩy chay một số hình thức hữu hình của bạo lực, thì một loại bạo lực khác tinh tế hơn có thể bắt rễ: bạo lực của những người khinh rẻ những kẻ khác mình, nhất là khi những đòi hỏi của họ cách nào đó động chạm đến các lợi ích riêng của mình.
  2. Khi một phần của xã hội bóc lột tất cả những gì mà thế giới có để cung ứng, làm như thể người nghèo không hiện hữu, thì cuối cùng sẽ dẫn đến các hậu quả. Sớm hay muộn, việc dửng dưng sự hiện hữu và các quyền của người khác sẽ làm vọt ra một hình thức bạo lực nào đó, thường rất bất ngờ. Tự do, bình đẳng và huynh đệ có thể vẫn còn mãi là những lý tưởng cao vời trừ phi chúng có thật đối với mọi người. Sự gặp gỡ không thể xảy ra chỉ giữa những người nắm giữ quyền lực kinh tế, chính trị, và học thuật. Sự gặp gỡ xã hội đúng nghĩa sẽ cần một cuộc đối thoại liên quan tới nền văn hóa của đa số dân chúng. Điều thường xảy ra là các ý tưởng tốt không được chấp nhận bởi những thành phần nghèo của xã hội, bởi vì các ý tưởng ấy được trình bày trong một khung văn hóa không phải của họ, và họ không thể nhận ra mình trong đó. Một khế ước xã hội có tính hiện thực và bao gồm cũng phải là một “khế ước văn hóa” nữa, trong đó người ta tôn trọng và nhìn nhận những thế giới quan, những văn hóa và lối sống khác nhau cùng tồn tại.
  3. Chẳng hạn, các dân tộc bản địa không chống lại sự tiến bộ, nhưng họ hiểu sự tiến bộ một cách khác, thường là nhân bản hơn nền văn hóa hiện đại của các dân tộc phát triển. Văn hóa của họ không nhằm phục vụ lợi ích của những kẻ mạnh, những kẻ có xu hướng tạo ra cho mình một thứ thiên đàng trần gian. Thái độ thiếu bao dung và thiếu tôn trọng đối với những nền văn hóa của dân bản địa là một hình thức bạo lực đặt nền trên một cách nhìn lạnh lùng phán xét họ. Không thể có sự thay đổi sâu xa, đích thực và bền vững trừ phi nó bắt đầu từ những nền văn hóa khác nhau, nhất là từ văn hóa của người nghèo. Một khế ước văn hóa sẽ tránh cách hiểu đơn nhất về căn tính của một nơi chốn cụ thể; nó đòi phải tôn trọng tính đa dạng bằng việc cung ứng các cơ hội giúp tiến bộ và giúp hội nhập xã hội cho mọi người.
  4. Một khế ước như thế cũng đòi phải nhìn nhận rằng một số điều có thể phải bị loại bỏ vì thiện ích chung. Không ai có thể sở hữu toàn bộ sự thật hay có thể thỏa mãn mọi mong ước của mình, vì việc đòi hỏi như vậy sẽ dẫn tới chỗ xóa bỏ người khác qua việc phủ nhận các quyền của họ. Một ý niệm sai lầm nào đó về bao dung phải nhường chỗ cho một tinh thần hiện thực có tính đối thoại của những con người nam nữ vẫn trung tín với các nguyên tắc của mình trong khi nhìn nhận người khác cũng có quyền hành động giống như vậy. Đây là sự nhìn nhận thực sự đối với người khác, chỉ có được nhờ tình yêu mà thôi. Chúng ta phải đứng ở vị trí của người khác, nếu muốn khám phá cái gì thực sự (hay ít ra cái gì có thể thông cảm được) nằm trong động cơ và các mối quan tâm của họ.

PHỤC HỒI LÒNG TỐT

  1. Chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ đã dẫn đến những bất công trầm trọng. Người khác bị xem chỉ là vật cản trở sự hiện hữu êm ái của chúng ta; chúng ta đi đến chỗ đối xử với họ như là những mối phiền phức, và chúng ta trở thành ngày càng hung hăng. Điều này càng rõ trong những thời khắc khủng hoảng, thảm họa và thử thách, khi chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng “phần ai nấy lo”. Nhưng ngay cả trong những lúc như vậy, chúng ta có thể chọn vun xới lòng từ tâm. Những người hành động cách này trở thành những vì sao chiếu sáng trong đêm tối.
  2. Thánh Phaolô mô tả từ tâm là một hoa trái của Chúa Thánh Thần (Gl 5,22). Ngài dùng từ Hi lạp ‘chrestótes’, nói về một thái độ tử tế, dễ chịu và sốt sắng giúp đỡ, không thô lỗ hay cứng cỏi. Những cá nhân có được phẩm chất này sẽ giúp làm cho cuộc sống của người khác trở nên dễ chịu hơn, nhất là bằng cách chia sẻ gánh nặng các vấn đề của họ, những nhu cầu và những nỗi lo sợ của họ. Cách cư xử với người khác như thế có thể mang những hình thức khác nhau: một hành động tử tế, một sự ý tứ để không gây tổn thương bằng lời nói hay việc làm, một sự sẵn sàng làm vơi nhẹ gánh nặng của họ. Nó liên can tới việc “nói những lời an ủi, củng cố, nâng đỡ và khích lệ”, chứ không phải là “những lời sỉ nhục, u uất, giận dữ hay trách mắng”. (208)
  3. Lòng từ tâm giải thoát chúng ta khỏi sự độc ác vốn nhiều lúc làm hại các mối tương quan con người, nó giải thoát chúng ta khỏi nỗi lo lắng không cho phép ta nghĩ đến người khác, khỏi những hoạt động xô bồ hối hả trong khi quên rằng người khác cũng có quyền được hạnh phúc. Ngày nay chúng ta thường không tìm thấy thời gian hay nghị lực để dừng lại và cư xử tử tế với người khác, để nói “xin lỗi”, “cảm phiền”, “cảm ơn”. Nhưng đôi khi, thật tuyệt diệu, một con người tử tế nào đó xuất hiện và sẵn sàng đặt mọi sự khác qua một bên để bày tỏ sự quan tâm, để trao món quà là một nụ cười, để nói một lời khích lệ, để lắng nghe giữa một thế giới dửng dưng. Nếu mỗi ngày chúng ta cố gắng làm chính xác điều này, chúng ta có thể tạo ra một bầu khí giao tiếp xã hội lành mạnh, trong đó những hiểu lầm có thể được vượt qua và những xung đột có thể được phòng tránh. Lòng từ tâm phải được vun xới; nó không phải là kiểu cách kẻ cả hời hợt. Chính vì lòng từ tâm thúc đẩy ta tôn trọng người khác, nên một khi nó trở thành một văn hóa trong xã hội, nó sẽ làm thay đổi các lối sống, các mối tương quan, các cách người ta xem xét và đối chiếu các ý kiến. Lòng từ tâm giúp tìm thấy sự đồng thuận; nó mở ra những nẻo đường mới ở những nơi mà sự hiếu chiến và xung đột có thể thiêu hủy mọi cây cầu.

Chú thích:

[132] ANTONIO SPADARO, S.J., Le orme di un pastore. Una conversazione con Papa Francesco, in JORGE MARIO BERGOLIO – PAPA FRANCESCO, Nei tuoi occhi è la mia parola. Omelie e discorsi di Buenos Aires 1999-2013, Rizzoli, Milan 2016, XVI; cf. Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 220-221: AAS 105 (2013), 1110-1111.

[133] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 204: AAS 105 (2013), 1106.

[134] Cf. ibid.: AAS 105 (2013), 1105-1106.

[135] Ibid., 202: AAS 105 (2013), 1105.

[136] Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 128: AAS 107 (2015), 898.

[137] Diễn văn với Các Ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh (12 tháng 1, 2015): AAS 107 (2015), 165; cf. Diễn văn với các Tham dự viên Hội nghị Thế giới về Các Phong trào Đại chúng (28 tháng 10, 2014): AAS 106 (2014), 851-859.

[138] Có thể nêu một ghi nhận tương tự đối với phạm trù Nước Thiên Chúa trong Thánh Kinh.

[139] PAUL RICOEUR, Histoire et Verité, ed. Le Seuil Paris, 1967, 122.

[140] Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 129: AAS 107 (2015), 899.

[141] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 tháng 6, 2009), 35: AAS 101 (2009), 670.

[142] Diễn văn với các Tham dự viên Hội nghị Thế giới về Các Phong trào Đại chúng (28 October 2014): AAS 106 (2014), 858.

[143] Ibid.

[144] Diễn văn với các Tham dự viên Hội nghị Thế giới về Các Phong trào Đại chúng (5 tháng 11, 2016): L’Osservatore Romano, 7-8 tháng 11, 2016, tr. 4-5.

[145] Ibid.

[146] Ibid.

[147] Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 189: AAS 107 (2015), 922.

[148] Diễn văn với các Thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25 tháng 9, 2015): AAS 107 (2015), 1037.

[149] Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 175: AAS 107 (2015), 916-917.

[150] Cf. BÊNÊDĐICTÔ XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 tháng 6, 2009), 67: AAS 101 (2009), 700-701.

[151] Ibid.: AAS 101 (2009), 700.

[152] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tuyển tập Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, 434.

[153] Diễn văn với các Thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25 tháng 9, 2015): AAS 107 (2015), 1037, 1041.

[154] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tuyển tập Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, 437.

[155] Thánh GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới 2004, 5: AAS 96 (2004), 117.

[156] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tuyển tập Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, 439.

[157] Cf. ỦY BAN XÃ HỘI của HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHÁP, Declaration Réhabiliter la Politique (17 tháng 2, 1999).

[158] Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 189: AAS 107 (2015), 922.

[159] Ibid., 196: AAS 107 (2015), 925.

[160] Ibid., 197: AAS 107 (2015), 925.

[161] Ibid., 181: AAS 107 (2015), 919.

[162] Ibid., 178: AAS 107 (2015), 918.

[163] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỒ ĐÀO NHA, Thư Mục vụ Responsabilidade Solidária pelo Bem Comum (15 tháng 9, 2003), 20; cf. Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 159: AAS 107 (2015), 911.

[164] Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 191: AAS 107 (2015), 923.

[165] PIÔ XI, Diễn văn với Liên đoàn Sinh viên Đại học Công giáo Ý (18 tháng 12, 1927): L’Osservatore Romano, 23 tháng 12, 1927, tr. 3.

[166] Cf. ID., Thông điệp Quadragesimo Anno (15 tháng 5, 1931): AAS 23 (1931), 206-207.

[167] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 205: AAS 105 (2013), 1106

[168] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 tháng 6, 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.

[169] Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 231: AAS 107 (2015), 937.

[170] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 tháng 6, 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.

[171] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tuyển tập Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, 207.

[172] Thánh GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptor Hominis (4 tháng 3, 1979), 15: AAS 71 (1979), 288.

[173] Cf. Thánh PHAOLÔ VI, Thông điệp Populorum Progressio (26 tháng 3, 1967), 44: AAS 59 (1967), 279.

[174] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tuyển tập Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, 207.

[175] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 tháng 6, 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.

[176] Ibid., 3: AAS 101 (2009), 643.

[177] Ibid., 4: AAS 101 (2009), 643.

[178] Ibid.

[179] Ibid., 3: AAS 101 (2009), 643.

[180] Ibid.: AAS 101 (2009), 642.

[181] Giáo huấn luân lý Công giáo, theo giáo huấn của Thánh Thomas Aquinas, phân biệt giữa “thúc bách” và “khơi động”; cf. Summa Theologiae, I-II, qq. 8-17; M. ZALBA, S.J., Theologiae Moralis Summa. Theologia Moralis Fundamentalis. Tractatus de Virtutibus Theologicis, ed. BAC, Madrid, 1952, vol. I, 69; A. ROYO MARÍN, Teología de la Perfección Cristiana, ed. BAC, Madrid, 1962, 192-196.

[182] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tuyển tập Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, 208.

[183] Cf. Thánh GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30 tháng 12, 1987), 42: AAS 80 (1988), 572-574; Thông điệp Centesimus Annus (1 tháng 5, 1991), 11: AAS 83 (1991), 806-807.

[184] Diễn văn với các Tham dự viên Hội nghị Thế giới về Các Phong trào Đại chúng (28 tháng 10, 2014): AAS 106 (2014), 852.

185] Diễn văn với Hội đồng Châu Âu, Strasbourg (25 tháng 11, 2014): AAS 106 (2014), 999.

[186] Diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ Các Lãnh đạo và Ngoại giao đoàn tại Cộng hòa Trung Phi , Bangui (29 tháng 11, 2015): AAS 107 (2015), 1320.

[187] Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc (25 tháng 9, 2015): AAS 107 (2015), 1039.

[188] Diễn văn với các Tham dự viên Hội nghị Thế giới về Các Phong trào Đại chúng (28 tháng 10, 2014): AAS 106 (2014), 853.

[189] Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người Vì Hòa Bình Thế Giới Và Cùng Chung Sống, Abu Dhabi (4 tháng 2, 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng 2, 2019, tr. 6.

[190] RENÉ VOILLAUME, Frères de tous, ed. Cerf, Paris, 1968, 12-13.

[191] Sứ điệp Video gửi Hội nghị TED ở Vancouver (26 tháng 4, 2017): L’Osservatore Romano, 27 tháng 4, 2017, tr. 7.

[192] Tiếp kiến chung (18 tháng 2, 2015): L’Osservatore Romano, 19 tháng 2, 2015, tr. 8.

[193] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 274: AAS 105 (2013), 1130.

[194] Ibid., 279: AAS 105 (2013), 1132.

[195] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2019 (8 tháng 12, 2018), 5: L’Osservatore Romano, 19 tháng 12, 2018, tr. 8.

[196] Gặp gỡ Các Lãnh đạo Kinh tế, Chính trị và Văn hóa, Rio de Janeiro, Brazil (27 tháng 7, 2013): AAS 105 (2013), 683-684.

[197] Tông huấn Querida Amazonia (2 tháng 2, 2020), 108.

[198] Từ bộ phim Pope Francis: A Man of His Word, của Wim Wenders (2018).

[199] Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới 2014 (24 tháng 1, 2014): AAS 106 (2014), 113.

[200] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ÚC, Commission for Social Justice, Mission and Service, Making It Real: Genuine Human Encounter in Our Digital World (tháng 11, 2019).

[201] Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 123: AAS 107 (2015), 896.

[202] Thánh GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Veritatis Splendor (6 tháng 8, 1993), 96: AAS 85 (1993), 1209.

[203] Là Kitô hữu, chúng ta cũng tin rằng Thiên Chúa ban ơn của Ngài cho chúng ta để giúp chúng ta hành động như anh chị em của nhau.

[204] VINICIUS DE MORAES, Samba da Benção, trong Um encontro no Au bon Gourmet, Rio de Janeiro (2 August 1962).

[205] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 237: AAS 105 (2013), 1116.

[206] Ibid., 236: AAS 105 (2013), 1115.

[207] Ibid., 218: AAS 105 (2013), 1110.

[208] Tông huấn Amoris Laetitia (19 tháng 3, 2016), 100: AAS 108 (2016), 351.

Lm. Lê Công Đức, PSS (dịch)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31