CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A : LÊN TIẾNG HAY KHÔNG LÊN TIẾNG ?

Written by xbvn on Tháng Chín 4th, 2014. Posted in Năm A, Nguyễn Văn Nội

[Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20]

 I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Xin nói ngay rằng: đây không phải là bài tham luận về việc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải lên tiếng hay không phải lên tiếng trước những điều tội tệ trong xã hội hiện nay. Lên tiếng hay không lên tiếng được nêu ra ở đây chỉ liên quan tới trách nhiệm của các thành phần Dân Chúa phải xây dựng cho nhau, phải nhắc bảo nhau sống cho đúng với tư cách và chức danh Kitô hữu là giáo dân hay là giáo sĩ. Sấm ngôn của Thiên Chúa trong Sách ngôn sứ Êdêkien và những chỉ thị của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay quả quyết là chúng ta phải lên tiếng nhằm sửa lỗi anh em trong cộng đoàn để mọi người sống đạo đức thánh thiện và tránh gương mù gương xấu cho người khác. Trong cách sống của người công giáo Việt Nam, có một rào cản về mặt văn hóa, mà có người gọi một cách văn hoa là “nền văn hóa nể trọng”. Đó là sự/tính cả nể sợ mất lòng người khác, nhất là làm mất lòng những người có quyền có chức, khiến nhiều người không dám/muốn nói lời thật (lời thật mất lòng) với anh chị em mình lỡ sai phạm và trở thành đồng lõa với cái sai, cái xấu của những người ấy. Vậy thì chúng ta cần nghe lại Lời Chúa mà suy gẫm và đem ra thực hành.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Ed 33,7-9): Nếu ngươi không nói để cảnh cáo đứa gian ác, thì máu nó, Ta sẽ đòi ngươi.

7 Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. 8 Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. 9 Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.

 2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 13,8-10): Yêu thương là chu toàn Lề Luật.

8 Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật 9 Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 10 Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 18,15-20): Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

 III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

– là Đấng đã giao phó cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en trọng trách lên tiếng cảnh cáo những người sống vô đạo, làm mất lòng Thiên Chúa. Thiên Chúa cột chặt số phận của ngôn sứ vào sự trở lại của những kẻ gian ác.

– là Chúa Giê-su, Đấng đã đưa ra quy luật sống cho các tín hữu. Trong cộng đoàn, các tín hữu có trách nhiệm phải giúp nhau sửa đổi cách sống cho mỗi ngày một hoàn thiện, vì họ thực sự là anh em của nhau, là chi thể của Thân Mình Chúa Ki-tô là Hội Thánh. Chúa Giê-su còn khẳng định sự kết liên chặt chẽ giữa cách hành xử của những người có trách nhiệm trong cộng đoàn và cách hành xử của chính Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng quả quyết sức mạnh của lời cấu nguyện tập thể của những kẻ tin hiệp thông với nhau trong một tâm tình cầu xin.

– là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện và cùng hành động với Chúa Cha khi Thiên Chúa giao sứ mạng nói lời Thiên Chúa cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Chúa Thánh Thần cũng luôn ở bên Chúa Giê-su khi Người giáo huấn về cách sống trong cộng đoàn kẻ tin. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện nơi Thánh Phao-lô khi ngài chỉ ra rằng chỉ vì thiếu yêu thương bác ái mà người ta phạm tội.

 3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?):

Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.”

 IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuyệt đối tin cậy !

 4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa liên quan tới việc sửa lỗi anh em, chúng ta phải trang bị cho mình một số điều kiện thiết yếu sau đây:

– Một là xác định và thể hiện động cơ của việc góp ý, sửa lỗi cho anh em là do tình tương thân tương ái đối với những người được góp ý, sửa lỗi. Thánh Phao-lô đã nói với giáo đoàn Rô-ma: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Lời khuyên quí báu này càng phải được áp dụng trong trường hợp chúng ta muốn góp ý, sửa lỗi anh em.

– Hai là chúng ta phải cảnh giác đừng để mình rơi vào cảnh Chúa Giê-su đã cảnh cáo trong Phúc âm theo Thánh Mát-thêu: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,3).  Nói cách khác phải có sẵn một tinh thần khiêm hạ, đơn sơ, vô vị lợi khi thi hành trách nhiệm sửa lỗi anh em. “Tiên kỷ hậu nhân” phải là nguyên tắc hành xử trong lãnh vực tế nhị này, có nghĩa là trước khi sửa lỗi người khác, chúng ta phải sửa lỗi của bản thân mình đã.  

– Ba là để có thể góp ý, sửa lỗi cho người khác, chúng ta cần phải có lòng kiên nhẫn và dũng cảm vì rất nhiều khi chúng ta sẽ chỉ nhận được một thái độ oán trách, giận dữ, bắt bẻ và tố cáo lại chúng ta mà thôi.    

 V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các quốc gia dân tộc trên thế giới hôm nay, nhất là cho các nhà lãnh đạo các dân tộc ấy, để họ tránh gây tội ác và thực thi công lý cho cộng đồng xã hội.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội, cách riêng cho Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục để các ngài luôn luôn chu toàn sứ mạng nói lời Thiên Chúa cho mọi người.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu trong giáo xứ/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết sống yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như những người con cùng một Cha, anh chị em cùng một nhà.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

 5.4 «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã vì yếu đuối hay đam mê mà sa ngã và sống trong tội lỗi, để họ mau trở về với Thiên Chúa.

 X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.5 «Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho» Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta, để chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện “tập thể” mà hợp lòng hợp ý với nhau nài xin Thiên Chúa ban hòa bình và công lý cho những người chịi cảnh bất công và áp bức trong xã hội hôm nay.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31