ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI HUẤN ĐỨC MÙA CHAY CỦA ĐỨC CHA GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN

Written by xbvn on Tháng Ba 15th, 2023. Posted in Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

MẢNH ĐẤT KHỔ CHẾ ĐỂ THIÊN CHÚA CẮM LỀU

Hành trình Khổ chế để Thiên Chúa cắm lều nơi Thánh Cả Giuse

*********

Truyền tin cho ông Giu-se (Mt 1:18-25)

“Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng:”Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ.  Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su”.

Kính thưa quý Cha và anh em,

Khi chọn chủ đề mảnh đất Khổ chế để Thiên Chúa cắm lều trong dịp Huấn đức Mùa Chay tại ĐCV Huế, đã chọn lựa từ chính Sứ điệp Mùa Chay 2023 của ĐTC Phanxicô: Khổ chế trong Mùa Chay: một con đường hiệp hành, cùng với Tài liệu làm việc hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 tại cấp Châu lục với tư tưởng Lời Chúa trong sách Tiên tri Isaia đoạn 54, câu 2: Hãy nới rộng lều ngươi đang ở. Đặc biệt khi chúng ta đang ở trong tháng Thánh Giuse, nên đã chọn gương mẫu Thánh Giuse trong hành trình Khổ chế để Thiên Chúa cắm lều nơi ơn gọi và sứ mạng.

ĐTC mời gọi chúng ta: Khổ chế Mùa Chay là một nỗ lực, luôn được ân sủng soi dẫn, để vượt thắng tình trạng thiếu đức tin và thái độ từ chối bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Để đào sâu hiểu biết của chúng ta về Thầy, để hiểu biết và đón nhận trọn vẹn mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa – được thực hiện trong sự tự hiến hoàn toàn nhờ tình yêu – chúng ta phải để cho Người dẫn dắt mình, tách biệt và đưa chúng ta lên cao, bằng cách thoát khỏi những điều tầm thường và phù phiếm. Phải lên đường, một con đường leo dốc, đòi hỏi nỗ lực, hy sinh, tập trung, giống như một cuộc leo núi. Những điều kiện này cũng rất quan trọng đối với tiến trình Thượng Hội đồng mà Giáo hội chúng ta đã bắt đầu. Sẽ rất hữu ích khi chúng ta suy tư về mối tương quan giữa khổ chế Mùa Chay và kinh nghiệm hiệp hành.

  1. Mảnh đất nào được chọn để Thiên Chúa cắm lều ?

Trước hết như chúng ta đã biết: Ngày nay khi nghe những lời này của Isaia, chúng ta được mời gọi hình dung Hội thánh như một căn lều, hay đúng hơn, như căn lều của gặp gỡ, căn lều đã đồng hành với dân trong cuộc hành trình vượt qua sa mạc: vì thế lều ấy được kêu gọi nới rộng ra và dời chuyển. Ở giữa lều là Nhà tạm, nghĩa là sự hiện diện của Chúa. Lều có được buộc chặt là nhờ sự vững chắc của các cọc lều, nghĩa là các nền tảng của đức tin, vốn không thay đổi nhưng có thể được chuyển dời và trồng xuống vùng đất mới, để lều có thể đồng hành cùng dân qua cuộc hành trình theo dòng lịch sử. Cuối cùng, để không bị võng, cấu trúc của lều phải giữ cân bằng giữa các lực đẩy và lực căng khác nhau tác động lên nó: đó là ẩn dụ cho thấy sự cần thiết của phân định. Đây là cách mà nhiều bản Tổng hợp hình dung về Hội thánh: một nơi ở rộng lớn nhưng không đồng nhất, có khả năng thu nhận mọi người nhưng cởi mở để mọi người có thể ra vào (x. Ga 10,9), và hướng tới việc ôm lấy Thiên Chúa Cha và tất cả các thành viên khác của nhân loại.

Việc nới rộng lều đòi hỏi phải đón nhận những người khác, dành chỗ cho sự đa dạng của họ. Vì thế, vì yêu thương chính mình phải sẵn sàng chết đi, để tìm lại được mình trong và qua mối tương quan với Chúa Kitô và người thân cận:“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Sự phong phú của Hội thánh phụ thuộc vào việc chấp nhận cái chết này, tuy nhiên, đó không phải là sự hủy diệt, mà là kinh nghiệm của việc trở nên rỗng không để được lấp đầy bởi Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Đây là một tiến trình nhờ đó chúng ta nhận được các mối tương quan phong phú hơn, mối liên kết sâu sắc hơn với Chúa và với nhau. Đây là kinh nghiệm về ân sủng và về sự biến hình. Vì lý do này, tông đồ Phaolô khuyên chúng ta: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2,5-7). Chính trong điều kiện này, các thành viên của Hội thánh, từng người cũng như mọi người, mới có thể cộng tác với Chúa Thánh Thần để chu toàn sứ mạng được Chúa Giêsu Kitô uỷ thác cho Hội thánh: đó là một hành động phụng vụ, phụng vụ Thánh Thể.

– Mảnh đất mà Thiên Chúa đã dự định cắm lều ra sao? Mảnh đất tâm hồn ấy có đặc điểm gì? Như đã nói ở trên; chúng ta chọn Thánh Giuse để làm gương mẫu cho chúng ta bằng việc chọn lựa Khổ chế để Thiên Chúa cắm lều.

Trong Sứ điệp ngày Thế giới Ơn gọi năm 2021 của ĐTC Phanxicô đã chọn Thánh Giuse làm gương mẫu cho mọi ơn gọi với chủ đề: Ước mơ của Ơn gọi. Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn (x.1 Sm 16,7), và nơi thánh Giuse, Người nhận ra tấm lòng của một người cha có thể trao ban và tạo nên sự sống giữa những thói quen hàng ngày. Các ơn gọi có cùng mục tiêu này: tạo nên và canh tân sự sống mỗi ngày. Thiên Chúa ao ước uốn nắn tâm hồn của những người cha, người mẹ: tấm lòng rộng mở, có khả năng thực hiện những sáng kiến vĩ đại, quảng đại hiến thân, cảm thông khi an ủi những lo âu và kiên định trong việc củng cố hy vọng. Ngày nay, ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến rất cần những đức tính này, trong những thời điểm được đánh dấu bởi sự mong manh nhưng cũng bởi những đau khổ do đại dịch, đã tạo nên những bấp bênh và sợ hãi về tương lai và chính ý nghĩa của cuộc sống. Thánh Giuse đến gặp chúng ta theo cách dịu dàng của ngài, như một trong những “vị thánh ở nhà bên cạnh”. Đồng thời, chứng tá mạnh mẽ của ngài có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình của mình. 

Thánh Giuse là người được Thiên Chúa sủng ái cách đặc biệt, tại sao Thiên Chúa lại chọn Thánh Giuse để làm bạn Đức Trinh nữ Maria và làm Cha nuôi Chúa Giêsu mà không phải chọn một người nam nào trong lịch sử Dân tộc Do thái. Chắc chắn, mọi người đều mơ ước có cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa. Đúng là chúng ta nuôi dưỡng những hy vọng lớn lao, những khát vọng cao cả mà những thành công nhất thời – như sự thành công, tiền bạc và giải trí – không thể nào thỏa mãn được. Nếu chúng ta yêu cầu mọi người diễn đạt ước mơ cuộc đời của họ chỉ bằng một từ, sẽ không khó hình dung ra câu trả lời: “được yêu”. Chính tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, bởi vì nó bày tỏ mầu nhiệm của sự sống. Thật vậy, chúng ta chỉ có sự sống nếu chúng ta cho đi; chúng ta chỉ thực sự sở hữu nó khi chúng ta quảng đại trao ban. Thánh Giuse có nhiều điều để nói với chúng ta về vấn đề này, bởi vì, qua những giấc mơ mà Thiên Chúa đã linh hứng cho ngài, ngài đã biến cuộc đời mình thành một món quà. Và Giấc mơ đã trở nên Ơn gọi và thực hiện Thánh ý Thiên Chúa nơi T.Giuse.

ĐTC đã suy tư: Các sách Tin Mừng thuật lại với chúng ta bốn giấc mơ (xem Mt 1,20; 2,13.19.22). Đó là những lời kêu gọi của Chúa, nhưng không dễ dàng để chấp nhận chúng. Sau mỗi giấc mơ, thánh Giuse phải thay đổi kế hoạch của mình và chấp nhận rủi ro, hy sinh kế hoạch riêng của mình để làm theo những kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng mà ngài hoàn toàn tín thác. Chúng ta có thể tự hỏi, “Tại sao lại đặt quá nhiều tin tưởng vào một giấc mơ mình thấy vào ban đêm?” Mặc dù một giấc mơ được coi là rất quan trọng trong thời cổ đại, nó vẫn chỉ là một điều nhỏ bé khi đối mặt với thực tế cụ thể của cuộc sống.

Tuy nhiên, Thánh Giuse đã để cho mình được hướng dẫn bởi những giấc mơ của mình mà không do dự. Tại sao? Vì lòng ngài hướng về Thiên Chúa; tâm hồn ngài đã hướng chiều về Thiên Chúa. Một dấu hiệu nhỏ cũng đủ để “cái tai nội tâm” chú tâm của ngài nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa.

Điều này cũng áp dụng cho tiếng Chúa gọi chúng ta: Thiên Chúa không thích mặc khải mình một cách ngoạn mục, gây áp lực cho sự tự do của chúng ta. Chúa truyền đạt kế hoạch của Người cho chúng ta một cách nhẹ nhàng. Người không làm chúng ta bị choáng ngợp bởi những viễn cảnh chói lọi nhưng lặng lẽ nói vào sâu thẳm trái tim chúng ta, đến gần chúng ta và nói với chúng ta bằng những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Theo cách này, như đã làm với thánh Giuse, Thiên Chúa đặt trước mắt chúng ta những chân trời sâu sắc và bất ngờ. Đó chính là Thiên Chúa yêu thương Thánh Giuse đặc biệt, bởi vì Thánh Giuse luôn là người được yêu và dám yêu Thiên Chúa trên tất cả mọi sự trong cuộc đời…

Lời kêu gọi của Thiên Chúa luôn thúc giục chúng ta bước những bước đầu tiên, hiến thân, tiến về phía trước. Không thể có niềm tin nào mà không có rủi ro. Chỉ bằng cách tín thác phó thác chính mình vào ân sủng, bỏ qua một bên những chương trình và sự tiện nghi của riêng mình, chúng ta mới có thể thực sự thưa “vâng” với Thiên Chúa. Và mọi tiếng thưa “vâng” đều mang lại kết quả bởi vì nó trở thành một phần của một kế hoạch lớn hơn mà chúng ta chỉ nhìn thấy những chi tiết, nhưng là điều mà chỉ Thần linh biết và thực hiện, để biến mọi cuộc đời trở thành một kiệt tác. Theo nghĩa này, thánh Giuse là một ví dụ nổi bật về việc chấp nhận các kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự chấp nhận của ngài là sự chấp nhận chủ động: không bao giờ miễn cưỡng hay cam chịu. Thánh Giuse “chắc chắn không cam chịu một cách thụ động, nhưng chủ động một cách can đảm và vững vàng.

Chúng ta đã thấy kế hoạch cắm lều của Thiên Chúa nơi Thánh Giuse: đó là muốn Thánh nhân phải chấp nhận con đường khổ chế: dù đã đính hôn với Đức Trinh nữ; luôn tin tưởng sự Thánh thiện của Đức Maria; thế mà sau khi đi thăm bà Chị họ 3 tháng trở về lại có dấu hiệu mang thai; đó thực sự là những giây phút và thời gian của chọn lựa, đau khổ, khó hiểu những gì đang xảy ra. Vì không hiểu Thánh ý Chúa dù luôn tin tưởng nơi Đức Trinh Nữ, điều Thánh Giuse ngạc nhiên là Đức Trinh nữ lại Không thanh minh, không bày tỏ bất cứ điều gì nơi gương mặt thánh thiện và khiêm hạ. Chúng ta thấy rõ Thiên Chúa muốn cắm lều Khổ chế vào cuộc đời của Thánh Giuse; điều Thiên Chúa muốn nơi ông là Con Thiên Chúa Nhập Thể có được một người dưỡng phụ, cùng sự trung tín lời hứa với Đavit về sự trường tồn của Vương quyền (2Sam 7,1-17); và làm bạn bảo vệ cho Đức Maria với ơn gọi làm Mẹ của TC Nhập Thể. Rõ ràng đây là giai đoạn không dễ dàng với Thánh cả Giuse. Chính vì vậy, là người công chính và không muốn tố giác Trinh nữ, nên mới định tâm bỏ Trinh nữ cách kín đáo.

Trong cuộc đời và ngay cả Giáo hội, nhiều khi chúng ta không hiểu nên cũng đã tự hỏi: Tại sao? Tại sao? Nhưng có mấy khi có được câu trả lời thỏa đáng cho những suy tư và sự kiện nhiều khi ảnh hưởng tới chính Giáo hội và Ơn gọi của mỗi người chúng ta. Ví dụ: Tại sao Hội đồng Giám mục Việt Nam không lên tiếng các vụ việc xôn xao trong Giáo hội Việt Nam để đem lại bình an cho Dân Chúa trong Giáo hội. Rồi còn biết bao biến cố khác trong Giáo hội Hoàn vũ và xã hội làm chúng ta lúng túng và nhiều khi sợ hãi. Chính lúc này, chúng ta phải khẳng định rằng: Vấn đề không phải là ‘Tại sao? Lạy Chúa!’ Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy”, mà vấn đề phải chất vấn chính bản thân mỗi người chúng ta là ‘Tôi có đang thực sự được Chúa yêu vì tôi luôn yêu Chúa không?’.

  1. Mảnh đất luôn luôn có chỗ để cắm lều:

Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng:”Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ.  Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Các sách Tin Mừng cho thấy thánh Giuse đã sống hoàn toàn vì người khác chứ không bao giờ sống vì chính mình. Dân thánh của Thiên Chúa gọi thánh nhân là người phối ngẫu thanh khiết nhất; điều này cho thấy khả năng yêu thương của ngài, không giữ lại điều gì cho riêng mình. Bằng cách giải phóng tình yêu khỏi mọi sự chiếm hữu, ngài sẵn sàng cho một sự phục vụ thậm chí còn hiệu quả hơn. Đối với Thánh Giuse, phục vụ – như một biểu hiện cụ thể của việc trao tặng chính mình – không chỉ đơn giản là một lý tưởng cao đẹp, mà đã trở thành một quy tắc cho cuộc sống hàng ngày. Tóm lại, ngài thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau với thái độ của những người không nản chí khi cuộc sống không diễn ra như họ mong muốn; ngài cho thấy sự sẵn lòng điển hình của những người sống để phục vụ. ngài đều sẵn sàng đối mặt với hoàn cảnh mới mà không phàn nàn, luôn sẵn sàng cộng tác giúp đỡ để giải quyết tình huống. Chúng ta có thể nói rằng đây là đôi tay dang rộng của Chúa Cha đang vươn tới Con của Người trên trái đất. Thánh Giuse không thể không trở thành mẫu mực cho mọi ơn gọi, được kêu gọi trở thành những bàn tay cần cù của Chúa Cha, dang rộng ra với con cái của Người. 

Điều chúng ta ngạc nhiên nhất là Tại sao Thánh Giuse luôn im lặng, không tranh luận, không thắc mắc, không đặt bất cứ điều kiện nào với sứ thần mà luôn vâng theo một cách kỳ lạ; và nói rộng ra Thánh Giuse sau khi được Sứ thần loan báo cũng không hỏi lại Đức Trinh nữ, không trách móc vì Trinh nữ không nói để Thánh Giuse lúng túng trong suy nghĩ, không bàn luận để ngài phải quyết định từ bỏ ra đi trong thinh lặng.

Điều này cho chúng ta thấy rõ: Thật vậy, những giấc mơ của thánh Giuse đã dẫn ngài đến những trải nghiệm mà ngài không bao giờ tưởng tượng được. Trải nghiệm đầu tiên đã gây bất ổn cho việc hứa hôn của ngài, nhưng làm cho ngài trở thành cha của Đấng Cứu Thế; trải nghiệm thứ hai khiến ngài phải chạy trốn sang Ai Cập, nhưng đã cứu được mạng sống của gia đình mình. Sau giấc mơ thứ ba báo trước việc ngài trở về quê hương, giấc mơ thứ tư khiến ngài thay đổi kế hoạch một lần nữa, đưa ngài đến Nazareth, nơi Chúa Giê-su sẽ bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa. Giữa tất cả những biến động này, thánh Giuse đã tìm thấy can đảm để làm theo ý Thiên Chúa. Trong ơn gọi cũng thế: Lời kêu gọi của Thiên Chúa luôn thúc giục chúng ta bước bước đầu tiên, hiến thân, tiến về phía trước. Không thể có niềm tin nào không có rủi ro. Chỉ bằng cách tín thác phó thác chính mình vào ân sủng, bỏ qua một bên những chương trình và sự tiện nghi của riêng mình, chúng ta mới có thể thực sự thưa “vâng” với Thiên Chúa. Đó chính là mảnh đất tâm hồn khổ chế luôn sẵn sàng để Thiên Chúa cắm Lều trong chương trình của Ngài.

Trong cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình. Nếu chúng ta không hòa hợp với lịch sử của chính mình, chúng ta sẽ không thể đi tiếp, vì chúng ta sẽ luôn là con tin cho những kỳ vọng và những thất vọng theo sau.

Con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận. Chỉ khi nào biết chấp nhận và giao hoà như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thấy một lịch sử bao quát hơn, một ý nghĩa sâu sắc hơn. Dường như chúng ta nghe vọng lại câu trả lời thật sâu sắc của ông Gióp với người vợ, bà đã xúi giục ông phản kháng vì những điều ác mà ông phải gánh chịu: “Chúng ta nhận được điều tốt từ tay Thiên Chúa, sao chúng ta lại không nhận điều bất hạnh?” (G 2,10).

Chắc chắn Thánh Giuse không cam chịu một cách thụ động, nhưng chủ động một cách can đảm và vững vàng. Trong cuộc sống của chúng ta, việc chấp nhận và đón nhận có thể là một biểu hiện của ơn Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chấp nhận cuộc sống như nó vốn thế, với tất cả những mâu thuẫn, nản lòng và thất vọng của nó.

– ‘Luôn có chỗ trong lều’ là chủ đề ngày họp đầu tiên của Đại hội liên hiệp các HĐGM Á châu trong khuôn khổ THĐGMTG 16 tại Bangkok vừa qua, nói với chúng ta điều gì?

– Làm sao để ‘luôn có chỗ trong lều’ nơi đời linh mục và chủng sinh của tôi? Trước hết, hãy dọn dẹp những thứ không cần thiết nhưng đang chiếm dụng nghiêm trọng không gian lều; hơn nữa ‘Nới rộng’ không gian lều như lời kêu gọi của THĐGMTG 16 cấp châu lục.

Tài liệu làm việc của THĐ đã nói: Khi thi hành sứ mạng, chúng ta tiến tới sự viên mãn của ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. ‘Hãy nới rộng lều’ là trọng tâm của hoạt động truyền giáo này. Do đó, một Hội thánh hiệp hành cung cấp một chứng từ Phúc âm mạnh mẽ cho thế giới: “Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đổi mới chiến lược, sự dấn thân, sự cống hiến và động lực để cùng nhau bước đi, đến với những người ở xa nhất: bằng cách loan báo Lời Chúa với niềm hăng say vui tươi, sử dụng năng khiếu, ơn huệ và tài năng của mình, đón nhận những thử thách mới và mang lại những thay đổi văn hoá dưới ánh sáng của đức tin và đời sống của Hội thánh” (HĐGM Venezuela). Các bản Tổng hợp nói lên giấc mơ về một Hội thánh có khả năng để cho những thách đố của thế giới tra vấn, và có khả năng đáp ứng những thách đố này bằng những biến đổi cụ thể: “Thế giới cần một ‘Hội thánh đi ra’, bác bỏ sự phân biệt giữa người tin và người không tin, hướng nhìn vào nhân loại và trao cho nó kinh nghiệm về sự cứu rỗi, còn hơn cả một học thuyết hoặc một chiến lược, đây là ‘món quà trên mọi món quà’, đáp trả tiếng kêu của nhân loại và thiên nhiên” (HĐGM Bồ Đào Nha)

  1. Xác tín nền tảng để là mảnh đất khổ chế nơi Thánh cả Giuse:

Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su”.

Trong Tông thư “Patris Codes: Trái tim Người Cha”, ĐTC viết: “Trong mọi hoàn cảnh, Thánh Giuse đều nói lời “fiat” của chính mình, cũng như khi Đức Maria được sứ thần truyền tin và như Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu. Trong vai trò là chủ gia đình, thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51), theo lệnh truyền của Chúa (x. Xh 20,12). Trong những năm sống ẩn dật ở Nadarét, Chúa Giêsu đã học ở trường học của thánh Giuse để làm theo ý của Chúa Cha. Ý của Chúa Cha là lương thực hằng ngày của Người (x. Ga 4,34). Ngay cả khi gặp khó khăn nhất, trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cũng đã chọn làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha hơn là ý muốn của mình, trở nên “vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá” (Pl 2,8). Vì thế, tác giả Thư gửi người Do Thái kết luận rằng Chúa Giêsu “đã học biết vâng phục qua những gì Người phải chịu” (5,8).

Tất cả những điều này cho thấy rõ rằng “Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi để trực tiếp phục vụ con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu qua việc thực thi chức vụ làm cha” và như thế, “khi thời gian viên mãn, ngài đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ cao cả và thực sự là một thừa tác viên của ơn cứu độ”. Thánh Giuse đã chấp nhận Đức Maria một cách vô điều kiện. Ngài tin vào lời sứ thần đã nói. “Sự cao thượng của tâm hồn Thánh Giuse là ở chỗ những gì ngài học được từ lề luật thì ngài đã sống theo tình bác ái. Ngày nay, trong thế giới của chúng ta, nơi mà bạo lực tinh thần, ngôn từ và thân xác đối với phụ nữ đã quá rõ ràng, thì Thánh Giuse trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng và tinh tế. Mặc dù không hiểu rõ mọi chuyện, nhưng ngài vẫn quyết định bảo vệ danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và cuộc sống của Mẹ Maria. Khi ngài còn do dự không biết nên làm gì, Thiên Chúa đã soi sáng để giúp ngài quyết định”.

Trong cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình. Nếu chúng ta không hòa hợp với lịch sử của chính mình, chúng ta sẽ không thể đi tiếp, vì chúng ta sẽ luôn là con tin cho những kỳ vọng và những thất vọng theo sau.

Chúng ta có thể thắc mắc, Thánh Giuse có đủ khôn ngoan khi quyết định vội vã như thế, điều chúng ta có thể chắc chắn: đối với Thiên Chúa, Thánh cả luôn đặt mình trong tâm tình sẵn sàng chu toàn mọi sứ vụ được giao phó trong mọi phút giây cuộc đời. Hơn thế nữa, như tâm tình của ĐTC Phanxicô viết trong sứ điệp Ơn gọi 2021: Thánh Giuse là “người công chính” (Mt 1,19) hằng ngày kiên trì âm thầm phục vụ Thiên Chúa và các kế hoạch của Người. Vào một thời điểm đặc biệt khó khăn trong cuộc đời, ngài đã suy nghĩ kỹ càng về những việc phải làm (x.20). Ngài không để mình bị sự vội vàng áp đảo. Ngài không khuất phục trước sự cám dỗ để hành động hấp tấp, chỉ đơn giản là làm theo bản năng của mình hoặc hành động bộc phát. Thay vào đó, ngài suy xét mọi thứ một cách kiên nhẫn. Ngài biết rằng thành công trong cuộc sống được xây dựng dựa trên sự trung thành thường xuyên với những quyết định quan trọng.. Điều này được thể hiện qua sự kiên trì miệt mài khi ngài là một người thợ mộc khiêm tốn (x. Mt 13,55), một sự kiên trì thầm lặng, không tạo nên tin tức gì trong thời đại của ngài, nhưng đã truyền cảm hứng cho cuộc sống hàng ngày của vô số người cha, người lao động và người Kitô hữu trong hàng thế kỷ.

Đó chính là sự xác tín nền tảng để mảnh đất khổ chế tâm hồn cho Thiên Chúa cắm lều, chính Thiên Chúa luôn đỡ nâng và đồng hành với chúng ta: Những lời đầu tiên mà Thánh Giuse đã nghe trong giấc mơ là lời mời gọi đừng sợ, vì Thiên Chúa luôn trung thành với những lời hứa của Người: “Giuse, con vua Đavít, đừng sợ “đừng ngại” (Mt 1,20). Đừng sợ; Đừng ngại: những lời này Chúa cũng nói với bạn, người chị em quý mến, với bạn, người anh em thân yêu, bất cứ khi nào bạn cảm thấy điều đó, ngay cả khi đang bấp bênh và do dự, bạn không thể trì hoãn ước muốn dâng cuộc đời mình cho Chúa. Người lặp lại những lời này khi, có lẽ bạn đang ở đó, giữa những thử thách và hiểu lầm, cố gắng làm theo ý muốn của Người mỗi ngày. Đó là những từ bạn sẽ nghe thấy lại, dọc hành trình ơn gọi của bạn, khi bạn quay trở lại mối tình đầu của mình. Đây là một điệp khúc đồng hành với tất cả những người – như thánh Giuse – thưa vâng với Chúa bằng cuộc sống của họ, qua sự trung thành của họ mỗi ngày. Với quý thày cũng vậy, dù đang gặp thử thách về sự chọn lựa ơn gọi, hay khó khăn trong cuộc sống; đừng sợ và đừng ngại để tiếp tục, để dám Yêu Chúa và được Chúa yêu và sẽ ban muôn ơn trợ lực cho hành trình là mảnh đất tâm hồn khổ chế để Thiên Chúa cắm lều trong chương trình tình yêu Cứu độ của Ngài.

Để kết thúc, chúng ta cùng đọc lời kết Tông thư “Trái Tim Người Cha của ĐTC Phanxicô: Chúa Giêsu đã nói: “Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Cuộc đời của các thánh cũng là những tấm gương để noi theo. Thánh Phaolô nói rõ điều này: “Anh em hãy bắt chước tôi!” (1 Cr 4,16). Bằng sự thinh lặng hùng hồn, Thánh Giuse cũng nói như vậy.

Trước tấm gương của biết bao vị thánh nam và nữ, Thánh Augustinô đã tự hỏi: “Điều các ngài đã làm được, mi không làm được sao?” Và thế là ngài đã dứt khoát hoán cải và thốt lên: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng, ôi Vẻ Đẹp vẫn cổ xưa mà luôn tươi mới!”.

Vậy chúng ta hãy cầu xin với Thánh Giuse ban cho chúng ta ơn của các ơn: đó là ơn hoán cải. Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với ngài:

Kính chào Đấng Gìn giữ Đấng Cứu Thế, Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa đã trao Con Một của Chúa cho ngài; Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài;
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.

Lạy Thánh Giuse diễm phúc, xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời. Xin ban cho chúng con ân sủng,

lòng thương xót và lòng can đảm, và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

—————————————–

ĐCV Huế, ngày 14/3/2023

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30