ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CÁC TU SĨ DÒNG TÊN HUNGARY : NÃO TRẠNG LẠC HẬU TRONG GIÁO HỘI, MỘT CĂN BỆNH HOÀI CỔ

Written by xbvn on Tháng Năm 10th, 2023. Posted in Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Tầm quan trọng của chứng tá, món quà của sự dịu dàng, sự đối thoại giữa các thế hệ, não trạng lạc hậu chống Vatican II… Đó là một số chủ đề suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Budapest trong cuộc gặp gỡ với các anh em trong Dòng Tên. Toàn bộ cuộc nói chuyện được đăng trên trang web « La Civiltà Cattolica ».

« Cần phải nói với giới trẻ như với những người lớn chứ không phải như các trẻ em », vì họ cần « chứng tá và tính xác thực ». Ngay cả trong Giáo hội, điều cần thiết là chống lại « não trạng lạc hậu, là phản ứng chống lại tính hiện đại », vốn biểu lộ « một căn bệnh hoài cổ ». Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu như thế trong cuộc gặp gỡ riêng với các tu sĩ Dòng Tên vào ngày 29/4/2023, dịp tông du Hungary.

Sự nhất quán của cuộc sống

Đức Phanxicô đã trả lời bảy câu hỏi do các  tu sĩ Dòng Tên đặt ra. Trong đó có cha giám tỉnh Attila Andras. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến giới trẻ, cách riêng việc mục vụ giới trẻ và cách thức cư xử với các tín hữu. Đức Thánh Cha đã sử dụng một từ, “chứng tá”, có nghĩa là “sự nhất quán của cuộc sống”, nếu không “chúng ta sẽ thấy mình như bài hát này của Mina, những lời nói, những lời nói”, nhưng “không có chứng tá, chúng ta không làm được gì cả”. Vì thế, chứng tá cũng có nghĩa là “sự nhất quán, bởi vì giới trẻ không dung thứ cho ngôn ngữ nước đôi” và “với những bạn trẻ đang được đào tạo, cần phải nói như những người lớn, những chúng ta đang nói với những con người chứ không phải với các trẻ em”. Do đó, Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại giữa người trẻ và người già, bởi vì “lời ngôn sứ của một người trẻ là lời nảy sinh từ một mối tương quan dịu dàng với người cao tuổi”.

Chuyến tông du đến Hungary

Tiếp đến, một tu sĩ Dòng Tên đã hỏi Đức Thánh Cha điều gì đã thủ đẩy ngài trở lại Budapest. Ngài đáp: “Lý do nằm ở chỗ lần đầu tiên tôi phải đến Slôvakia, nhưng Đại hội Thánh Thể lại được tổ chức ở Budapest. Vì thế, tôi đã đến đây trong vài giờ. Nhưng tôi đã hứa trở lại và tôi đã trở lại”. Tiếp tục nói về giới trẻ, lần này tập trung vào hai từ: tính xác thực và sự dịu dàng. Sự dịu dàng “là một trong những từ chủ chốt của Thiên Chúa: gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng. Đó là phong cách của Thiên Chúa”. Vì thế, “hãy để cho người trẻ được tự do trở nên đích thực, hãy để họ nói ra những gì họ cảm thấy”.

Các vụ lạm dụng và sự xác tín

Tiếp đến, câu hỏi được đặt ra cho Đức Thánh Cha là làm thế nào có thể yêu thương như anh em, ngay cả những người đã phạm tội lạm dụng tính dục, những người bị kết án,  bằng cách mang lại lòng trắc ẩn mà Tin Mừng yêu cầu tất cả mọi người. Ngài trả lời: “Thật không dễ chút nào, câu hỏi của cha rất khó” và đồng thời giải thích rằng “người lạm dụng phải bị lên án, nhưng như một người anh em”. Theo nghĩa này, “việc lên án người đó phải được hiểu như một hành vi bác ái” vì “có một lôgíc, một cách yêu thương kẻ thù cũng được diễn tả theo cách này”, cho dù điều này “không dễ dàng được hiểu và sống”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Họ cũng là con cái của Thiên Chúa. Và điều đó đòi hỏi sự quan tâm mục vụ. Họ đáng bị trừng phạt, nhưng cũng cần được quan tâm mục vụ”.

Câu chuyện bi thảm của cha Jálics

Đức Thánh Cha cũng được mời gọi nói về mối tương quan của ngài với cha Ferenc Jálics, một tu sĩ Dòng Tên, người bị giam cầm ở Argentina vào năm 1976, trong ngục Esma, một trong những trung tâm giam giữ, tra tấn và tiêu diệt của chế độ độc tài ở Argentina. Chế độ quân sự đã cố gắng làm cho cha Bergoglio liên lụy, lúc đó ngài là giám tỉnh, nhưng trái lại, ngài đã làm mọi cách để cứu cha Jálics. “Cha Jálics đã lập tức đến gặp tôi và chúng tôi đã nói chuyện », Đức Thánh Cha kể và đồng thời đề cập đến việc trả tự do cho cha Jálics sau khi đã bị “đe dọa và tra tấn”. “Tôi khuyên ngài ấy đi gặp mẹ ở Mỹ. Hoàn cảnh thực sự quá rối ren và không chắc chắn”. Đức Phanxicô kể tiếp : « Người ta kể lại một câu chuyện theo đó chính tôi đã giao nộp họ để họ bị cầm tù. Cần phải biết rằng cách đây một tháng, Hội đồng Giám mục Argentina đã xuất bản hai tập trong số ba tập được lên kế hoạch với tất cả các tài liệu liên quan đến những gì xảy ra giữa Giáo hội và quân đội. Anh em sẽ tìm thấy mọi thứ ở đó ». Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc lại câu chuyện về một tu sĩ Dòng Tên khác bị bắt, cha Orlando Yorio. « Tôi muốn nói thêm rằng khi cha Jálics  và cha Yorio bị quân đội bắt đi, hoàn cảnh ở Argentina là rất rối ren và chúng tôi hoàn toàn không biết phải làm gì. Tôi đã làm những gì tôi cho là phải làm để bảo vệ các ngài. Đó là một vụ việc rất đau đớn ».

Nguy cơ lạc hậu

Cuối cùng, một câu hỏi được đặt ra liên quan đến Công đồng Vatican II, cách riêng làm thế nào tìm thấy tiếng nói của Thiên Chúa khi yêu mến thời gian của Ngài. « Công đồng vẫn đang được thực hiện và tôi biết rằng sự chống đối là kinh khủng. Có một « chủ nghĩa phục hồi » đáng kinh ngạc. Từ đó, lời mời gọi đừng sợ thay đổi, vì « việc quay trở lại đằng sau không bao giờ bảo vệ được sự sống. Cần phải thay đổi » đang khi ngày nay « mối nguy hiểm là não trạng lạc hậu, là phản ứng chống lại tính hiện đại », và đó là « một căn bệnh hoài cổ ». « Đó là lý do tại sao tôi đã quyết định rằng từ nay về sau bắt buộc phải được phép cử hành theo Sách lễ Rôma năm 1962 đối với tất cả các linh mục mới được phong chức. Sau tất cả các cuộc tham vấn cần thiết, tôi đã đưa ra quyết định này bởi vì tôi nhận thấy rằng biện pháp mục vụ này được Đức Gioan-Phaolô II và  Đức Bênêđíctô XVI thực hiện tốt đã bị sử dụng một cách ý thức hệ, để quay trở lại đằng sau ».

Tý Linh

(theo Andrea De Angelis, Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31