GIỖ TỔ XUÂN BÍCH 2013: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA ANPHONG NGUYỄN HỮU LONG

Written by xbvn on Tháng Mười Một 20th, 2013. Posted in Cựu sinh viên XB, Linh mục, Ơn gọi, Tu sĩ, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế, Đức Maria

Lễ Mẹ dâng mình trong đền thờ 21.11.2013

Bđ I : Kn 3,9-15.20 (Bài đọc lễ ngoại lịch về Đức Mẹ, tr. 17)

TM : Lc 1,26-38 (Bài đọc lễ ngoại lịch về Đức Mẹ, tr.32-33)

1. Truyền thuyết kể lại lúc mới lên ba, Đức Mẹ đã dâng mình vào đền thờ và ở lại đó. Truyền thuyết này có thể làm chúng ta mỉm cười hoài nghi không biết có thật như vậy không ? Thật khó chấp nhận khi nghĩ rằng người ta dám dâng đứa con còn quá bé nhỏ và để nó sống xa mình như vậy. Thôi chúng ta đừng bận tâm lý giải vấn đề đó, cho bằng tìm hiểu ý nghĩa thiêng liêng ẩn giấu đàng sau sự kiện dâng mình của Đức Mẹ, vốn từ thế kỷ thứ V đã trở thành một lễ trong phụng vụ của cả GH đông phương và tây phương. Cho phép tôi chia sẻ suy niệm về đề tài Đức Mẹ và Đền thờ.

Bài đọc I trích sách Khởi nguyên cho thấy tương quan giữa Eva cũ và Eva mới, giữa vườn địa đàng và đền thờ. Adam Eva đã một thời sống thân tình với Chúa trong vườn địa đàng – chiều chiều, Chúa đi dạo trong vườn và chuyện trò với Adam Eva – . Nhưng thật bất hạnh, sau khi ăn trái cấm, ông bà đã bị loại ra khỏi đó, kéo cả nhân loại vào vòng lao lung. Đức Maria – Eva mới -, được tạo dựng tinh tuyền từ trong lòng mẹ, và rất sớm khi còn thơ bé, đã được dâng hiến vào đền thờ để lập lại mối thân tình với Chúa mà ông bà nguyên tổ đã đánh mất. Eva trong vườn địa đàng xưa và Maria trong Đền thờ hôm nay gợi cho ta niềm hạnh phúc ở với Thiên Chúa.

Thường cái gì quý báu như vàng bạc thì được người ta cất giấu kỹ ; một tiểu thư cành vàng lá ngọc được gìn giữ trong lâu đài kín cổng cao tường, để ngăn ngừa khỏi những sự xấu… Trong tôn giáo thì còn đâu hơn là ở trong đền thờ ? Thánh vịnh 26,1-4 diễn tả lòng khao khát đạo hạnh của dân Chúa như sau :

Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm,

đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi,

hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa,

và chiêm ngưỡng thánh điện Ngài” ;

hay Thánh vịnh 83 :

Lạy Chúa Tể càn khôn,

cung điện Ngài xiết bao khả ái.

Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi,

mong tới được khuôn viên đền vàng.

Cả tấm thân con cùng là tấc dạ,

những hướng lên Chúa Trời hằng sống,

mà hớn hở reo mừng…

Phúc thay người ở trong thánh điện,

họ luôn luôn được hát mừng Ngài…

Một ngày tại khuôn viên thánh điện

quý hơn cả ngàn ngày.

Thà con ở cổng đền Thiên Chúa,

vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân ”.

Vâng, hạnh phúc lớn nhất của mọi kitô hữu là được sống trong nhà Chúa, trong tình thân với Ngài, sống trước tôn nhan Ngài, vì “ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc” (Tv 15), và “chỉ trong Chúa hồn con mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 130). Thánh Augustinô xác tín : “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên hồn con khắc khoải cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa”. Bao lâu sống xa Chúa, con người cảm thấy bất hạnh, bất an.

Thưa quý anh em linh mục, tu sĩ và chủng sinh, khi chịu bí tích thánh tẩy, chúng ta đã được thánh hiến cho Chúa như mọi kitô hữu ; rồi chúng ta nhận ra lời mời gọi của Chúa để giã từ thế gian mà vào sống trong nhà Chúa. Sau thời gian đào tạo, bí tích truyền chức thánh hay nghi thức khấn dòng lại thánh hiến chúng ta cho Chúa một cách đặc biệt hơn. Chúng ta có ý thức mình là những người được Chúa yêu thương cách riêng, ban cho hồng ân được ở trong nhà Chúa, được ngày ngày gần gũi, tiếp xúc với Lời Chúa, tiếp cận với Thánh Thể Chúa, được Chúa che chở khỏi những xấu xa của thế gian. Chúng ta có cảm nhận mình hạnh phúc có Chúa làm gia nghiệp của mình, như lát nữa, các linh mục sẽ tiến lên lặp lại lời cam kết : “Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con”. Nhận thức này sẽ giúp chúng ta sống thiên chức linh mục, tu sĩ cách thánh thiện, hạnh phúc, không để bất cứ ai hay bất cứ sự gì trên thế gian này tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8,39). Đơn giản, linh mục và nhà thờ gắn liền với nhau. Hộ khẩu của một linh mục thường được ghi như sau : “Linh mục X…, nơi thường trú : Nhà thờ công giáo…, xã…, huyện…, tỉnh…”. Linh mục, tu sĩ phải là người thường xuyên có mặt, nhiều lần mỗi ngày, tại nhà thờ, nhà nguyện, chứ không phải chỗ nào khác, hay chỉ có mặt ở nhà thờ một lần lúc dâng lễ ! Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy xem xét lại điều này.

2. Tin Mừng Luca 1,26-38 tường thuật việc thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria. Chúng ta chẳng biết Đức Mẹ ở đền thờ bao nhiêu năm, chỉ biết rằng khi thiên sứ đến truyền tin, thì Mẹ đã về sống tại thôn làng Nadarét. Sau thời gian dài ở trong đền thờ, được chuẩn bị đầy đủ cả hồn xác, Đức Mẹ được mời cộng tác vào công cuộc cứu độ qua việc cưu mang Con Thiên Chúa làm người : “Này bà sẽ thụ thai, sinh một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Mẹ trở thành đền thờ cho Chúa ngự, một đền thờ sống động, thánh thiện. Hội Thánh đã chẳng ca ngợi : “Đức Bà như Hòm bia Thiên Chúa vậy”, “Đức Bà như Đền vàng vậy” đó sao ? Với lời xin vâng, Mẹ trở thành đền thờ cho Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Trong chín tháng cưu mang, Mẹ lấy thịt máu mình để nuôi xác thân Chúa. Sau này, qua bí tích Thánh Thể, Chúa đến ở trong cung lòng chúng ta, làm cho trở thành đền thờ của Chúa. Bí tích Thánh Tẩy đã làm cho chúng ta trở thành đền thờ của Chúa, như lời thư 1 Corintô 3,16-17 : “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy”.

Đặc biệt, hỡi anh em linh mục, chúng ta được diễm phúc nhân danh Chúa Giêsu, để khi cử hành bí tích Rửa tội, chúng ta thánh hiến các sinh linh thành đền thờ của Chúa; khi cử hành bí tích Hòa Giải, chúng ta giúp thanh tẩy các thánh đường thiêng liêng này; khi cử hành bí tích Thánh Thể, qua lời truyền phép, chúng ta làm cho bánh rượu nên Thịt Máu Chúa, để khi lãnh nhận, anh chị em tín hữu chúng ta trở thành đền thờ sống động cho Chúa như Mẹ Maria, “Người Nữ Thánh Thể” (Thông điệp Ecclesia De Eucharistia, số 55). Ý thức như vậy, chúng ta sẽ là những thừa tác viên trung thành, cần mẫn, không biết mệt mỏi của Chúa. Nhưng đừng quên rằng chính mình phải sống thân thiết với Chúa trước ngay trong thân xác chúng ta là đền thờ của Ngài. Hãy coi chừng, kẻo trong khi quá miệt mài lo cho anh em tín hữu mà chúng ta lại quên mất chính mình.

Họp nhau ca ngợi diễm phúc của Đức Mẹ dâng mình, chúng ta cầu nguyện cho nhau được ơn sống hạnh phúc trong nhà Chúa, sống thánh thiện trong thân xác là đền thờ Chúa, và nhiệt thành chu toàn sứ vụ xây dựng đền thờ Chúa nơi anh chị em chúng ta.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30