GIỚI THIỆU THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI

Written by lcd on Tháng Mười Một 25th, 2020. Posted in Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Văn kiện Giáo Hội

Sứ mạng của Giáo hội là phục vụ cho thế giới. ĐTC Phanxicô rất thao thức về căn tính phục vụ này, nhất là khi ngài nhận định thế giới của chúng ta ngày nay là một thế giới đóng kín với những đám mây đen phủ trùm. Tháng 5.2015, ngài đã công bố Thông điệp Laudato Si’ về môi trường sinh thái, như một lời kêu gọi trùng tu lại ngôi nhà chung. Đầu tháng 10 vừa qua (2020), ĐTC ban hành Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ phổ quát và tình thân hữu xã hội, nhằm thúc đẩy việc xây dựng lại tổ ấm bên trong ngôi nhà đó. Cụm từ tiếng Ý ‘Fratelli Tutti’, tên của Thông điệp, lấy từ một lời của Thánh Phanxicô Assisi, dịch sát là “Tất cả anh em”, nhưng ở đây hàm nghĩa “Tất cả anh chị em” (x. Mt 23,8). 

Fratelli Tutti còn rất nóng hổi, chưa ráo mực, nhưng rất tiếc thời gian vừa qua Thông điệp này dường như bị che lấp phần nào bởi những chuyện thời sự như: cơn dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành khắp nơi, những trận bão lũ và những vụ đất sạt lở liên tiếp ở miền Trung Việt Nam, và sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ đầy giằng co và phức tạp…

Trong thông điệp này, ĐTC khẳng định thế giới và các xã hội của chúng ta hiện nay đang đầy những triệu chứng bệnh hoạn, và khẩn thiết cần được chữa trị! Đó là căn bệnh ‘đóng kín’, gây ra những chia rẽ, xung đột, bạo lực, những tình trạng thờ ơ và loại trừ con người… Để chữa trị và giúp cho thế giới thoát ra khỏi bế tắc, ĐTC kêu gọi sự mở ra – của trái tim và vòng tay – nơi mọi người, mọi cá nhân và mọi nhóm, mọi quốc gia, dân tộc, để đón nhận nhau trong tình huynh đệ phổ quát và chân thành, như những anh chị em trong một gia đình nhân loại duy nhất. Sự mở ra và đón nhận này đặt nền trên phẩm giá bất khả nhượng của mọi con người.

Thông điệp gồm tám chương, theo bố cục Xem-Xét-Làm, trong đó ĐTC dành Chương I để xem lại bối cảnh thế giới hiện nay với tình trạng thiếu vắng tình huynh đệ và những hệ lụy của nó. Chương II cung cấp ánh sáng để xét và hiểu bối cảnh trên; một cách cụ thể, ĐTC chọn dụ ngôn về Người Samari Tốt Lành (x. Lc 10,30-37) làm nguồn ánh sáng cho công việc soi chiếu này. Chương III phác họa một tầm nhìn căn bản về tình yêu mở ra tới mức phổ quát để trả lời cho các vấn đề đã được nhận diện. Các chương tiếp theo là những áp dụng tầm nhìn căn bản ấy vào các lãnh vực cụ thể như: hiện tượng di dân; chính trị và đức ái chính trị; đối thoại xã hội và văn hóa; hòa bình và chiến tranh, xung đột và tha thứ; và các tôn giáo trong viễn tượng vun đắp tình huynh đệ phổ quát.

Là một văn kiện giáo huấn xã hội, Thông điệp Fratelli Tutti là lời đậm chất ngôn sứ, chất vấn và khuyến cáo các cơ cấu quản lý xã hội cùng với những chính sách, đường lối hiện hành của chúng trong mọi lãnh vực và tại mọi quốc gia. Nhưng trước hết, Thông điệp này thúc bách chính Giáo hội và mọi thành phần trong Giáo hội – mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn – mở ra và đi ra, gặp gỡ và đối thoại để nối kết với các anh chị em khác, cùng nhau dám tham vọng xây dựng một gia đình nhân loại yêu thương, hòa bình và hiệp nhất nhiều hơn. Như lời cầu nguyện mà ĐTC dùng để đúc kết Thông điệp này:

Lạy Chúa, là Cha của gia đình nhân loại chúng con,

Chúa đã dựng nên mọi người với phẩm giá bình đẳng:

xin đổ vào trái tim chúng con một tinh thần huynh đệ

và khơi lên trong chúng con giấc mơ gặp gỡ cách mới mẻ,

giấc mơ đối thoại, công lý và hòa bình.

Xin thúc đẩy chúng con kiến tạo những xã hội lành mạnh hơn

và một thế giới có phẩm giá hơn,

một thế giới không có chiến tranh, bạo lực và đói nghèo.

Xin mở rộng trái tim chúng con

hướng đến mọi dân mọi nước trên mặt đất này.

Xin giúp chúng con nhận ra sự tốt lành và vẻ đẹp

mà Chúa đã gieo vào mỗi người chúng con,

nhờ đó chúng con kiến tạo những mối dây hiệp nhất,

những dự án chung, và những giấc mơ cùng chia sẻ. Amen.

 

Lm. Lê Công Đức (25.11.2020)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31