SUY NIỆM LỜI CHÚA LỄ CHÚA LÊN TRỜI A

Written by xbvn on Tháng Năm 29th, 2014. Posted in Mai Tá, Năm A

“Ta trơ trọi như một người lữ thữ,”

“quán trọ nằm không ngủ, nhớ quê hương.”

(Dẫn từ thơ Tế Hanh)

Mt 28: 16-20

Như người lữ-thứ, cứ trơ trọi một mình. Trơ trọi, còn là tâm-trạng của nhà thơ, nhạc sĩ, cả ngài Hillary lừng danh tên tuổi một thời, từng leo núi. Nhưng trơ trọi, chẳng bao giờ là tâm-trạng của người nhà Chúa vẫn hân-hoan với mọi người, trong kinh-nghiệm sống, rất yêu-thương.

Kinh nghiệm sống, lại cũng có trường-hợp những thăng quan tiến chức; hoặc, những tháng ngày dù có xuống cấp, tủi nhục, người từng trải vẫn có thể ngồi cạnh bên để kể cho nhau rất nhiều chuyện suốt hàng giờ, không biết mệt. Nhưng, kinh nghiệm kề cận giới thần linh siêu thoát thì số người như trên chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như truyện kể về ngài Edmund Hillary nước Tân Tây Lan, ở bên dưới:

            Hồi còn là chú học trò nhỏ mài đũng quần nơi ghế nhà trường, tôi đã được vinh dự cùng trường với lớp đón tiếp ngài Hillary đến ghé thăm để kể cho nhau nghe kinh nghiệm đời ông.

            Tôi còn nhớ, bầu khí hôm ấy thật huyên náo vì chuyến viếng thăm độc nhất vô nhị này. Đây là buổi nói chuyện thân mật của người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, chốn non cao vời vợi ấy. Ngày nay, người ta có cả một trường dạy leo núi gồm các lực sĩ nổi tiếng như Tenzin Norgay của Tây Tạng, từng đè bẹp kỷ lục nhỏ của vị quán quân người Tân Tây Lan, từ lâu rồi. Nhưng hào quang sùng bái kia, vẫn chưa rời thoát khỏi người anh hùng trên “đỉnh mùa đông” ấy.

            Một số giáo sư nghiêm khắc của tôi khi trước, vẫn hết lòng bái phục ngài Edmund Hillary. Vì, lúc bấy giờ dân chúng có thói quen tôn sùng các vị anh hùng nhỏ như thế. Có điều kỳ lạ, là: trong chuyến ghé thăm trường làng, ngài Edmund tuyệt nhiên không đả động gì đến các cuộc leo núi ngọan mục.

            Ngược lại, ông chỉ chú ý đến những gì chúng tôi đang làm ở chốn đồng bằng miền xuôi này. Hôm ấy, quả là ông nói nhiều đến công lý, hòa bình và nhân phẩm con người, hơn là các kỷ lục thần thánh. Tôi nhớ rất rõ, vào phút cuối buổi chuyện trò hôm ấy, ngài quý tộc đã gửi đến chúng tôi lời khuyên nhủ, là: ta nên tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn, cho mọi người, ở mọi nơi trên chốn trần gian này.

            Vào giây phút giải đáp thắc mắc sau đó, có người hỏi ngài Edmund rằng: “Khi leo lên đến chóp đỉnh của địa cầu trần thế, ông có cảm giác gì như gần gũi Đức Chúa không?” Rõ ràng, tôi nghe tiếng ông trả lời là: “Có chứ!” Tuy câu trả lời là như thế; nhưng, ông vẫn nhấn mạnh đến khoảnh khắc cuộc đời đầy những thăng trầm/đổi thay, lúc lên cao, khi xuống thấp.

            Ông nói: Ông có cảm giác rất thực, về sự sống năng động và về cái chết gần kề, vào những lúc leo lên/trèo xuống chốn non cao, nơi ấy. Chính đó, là lúc ông thấy rõ, có sự hiện diện của Đức Chúa. Và, Ngài đồng hành với ông vào những lúc thăng trầm, trên núi cũng như suốt đời mình.

            Chuyến ghé thăm của ngài Hillary thật ra không xa cách là bao, đối với những gì xảy đến với môn đệ của Đức Chúa trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.

            Thánh sử Matthêu, hôm nay kể rằng: mười một người con thân yêu lâu nay sùng kính Đức Kitô, đã được Thầy Chí Thánh sai phái ra đi đến với thế giới nhân trần. Và, Thầy hứa: Thầy sẽ lưu lại với con Thầy mọi ngày cho đến thế tận. Và, Thầy vẫn giữ lời hứa ấy.

            Tôn thờsùng bái, là cụm từ ít được người Công giáo ta sử dụng, hằng ngày. Trong khi các tôn giáo khác, mô tả nghi tiết tế tự của họ, như một “tôn thờ và sùng bái”, thì ta lại có khuynh hướng chỉ sử dụng cụm từ này theo cách thế phàm trần như tôn sùng các anh hùng/thần tượng siêu sao thể dục/phim ảnh. Tuyệt nhiên, không ở trên bàn thờ, nơi đó có nghi lễ sùng bái, có tế tự.

            Tuy thế, ý niệm nằm phía sau ngôn từ, là một ý niệm hệ trọng. Tôn kính và phượng thờ Đức Chúa, có nghĩa là: ta công nhận ta chẳng là thần linh – Chúa tể, của riêng ai. Ta chỉ là tạo vật, nên việc phụng thờ sùng bái được hướng đến Tạo Hoá, Đấng dựng nên ta. Đấng Cứu Độ muôn người. Và, cũng là Đấng Bảo vệ ta, luôn mãi.

            Dù có công nhận hay không, ta vẫn được sai đi đến với thế giới nhân trần vào mỗi lần kết thúc nghi thức phượng thờ: “Anh chị em ra đi bình an để phụng sự Chúa”. Khẩu lệnh này, làm đổi thay việc ta tôn sùng, và phượng thờ. Nghĩa là: tham dự Tiệc Thánh, không phải để ta đạt được điều gì đó, có lợi cho chính mình.

            Cụm từ “Tiệc Thánh Thể” ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa của khẩu lệnh “được sai đi”, rồi. Điều này chứng tỏ, rằng: nghi lễ phụng vụ của ta cốt là để mừng kính những điều mà Đức Giê-su đã làm cho thế giới nhân trần. Ngài vẫn ở trong ta. Và, ngang qua ta, vẫn đến với người khác, nữa. Đây là một chuẩn bị mà Đức Chúa vẫn muốn kiện toàn.

            Cuối cùng, ta vẫn tiếp tục có được kinh nghiệm cuộc đời, về sự hiện hữu của Đức Giêsu trong cuộc sống hiện thực. Bằng không, sẽ chẳng có lý do gì chánh đáng, để ta tụ tập nhau đây. Nơi bàn tiệc này. Đức Chúa, qua mạc khải nơi Đức Kitô, không bao giờ cách xa cuộc sống đời thường, của chúng ta. Ngài chẳng bao giờ tỏ ra thản nhiên/lãnh đạm, trước nhu cầu của mỗi người, rất riêng lẻ. Chúng ta tin vào Chúa, Đấng luôn đồng hành với ta, trong mọi khoảnh khắc, giữa cuộc đời. Ngài không ngưng tháp tùng ta. Và, mong ta kề cận bên Ngài. Và, Ngài cũng mong ta luôn có nhu cầu được Ngài cận kề.

            Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cảm tạ Chúa đã để cho sự việc diễn tiến ở chốn non cao, miền đồi núi ấy. Ở nơi đây, có Đức Giêsu tiến thẳng về với Cha. Sự kiện này xảy ra, là để nâng ta lên khỏi cuộc sống đời thường. Khi ta mừng kính sự kiện này, là để chứng tỏ ta chính là tạo vật, chứ không phải kẻ tạo dựng ra mọi vật.

            Bởi thế, hãy lắng tai nghe cho kỹ, lời Đức Kitô mời gọi, là lời khích lệ mỗi người hãy rời quán xá/trần tục những vênh vang, tự mãn. Hãy ra đi, đến với Hội thánh trong cố gắng thay đổi toàn bộ thế giới này.

            Hãy cứ vui và hy vọng, vì có Đức Kitô hiện diện ở bên ta. Ngài luôn trung thành cận kề, trước sau như một. Ngài luôn ở trên ta. Và, trong ta. Ngài luôn sống cùng và sống với ta. Ngài vẫn hiện diện nơi ta, bây giờ và mãi mãi, suốt đời sau. Vui và hy vọng, vì Ngài đã hứa và Ngài giữ lời. Lời Ngài hứa, là lời thề sẽ ở mãi với ta và với mọi người. Cả những người đã để luột mất sự thủy chung dịu dàng.

            Trong tinh thần an vui, hy vọng ta lại hướng về lời thơ/ý nhạc, vẫn ngâm rằng:

            “Ta trơ trọi như một người lữ thứ,

            Quán trọ nằm không ngủ, nhớ quê hương.

            Ta thơ thẩn, như một cô trinh-nữ,

            Lở mộng đầu, rã rượi khóc tình thương.”

            (Tế Hanh – Trăng Tàn)

            Trơ trọi như người lữ thứ, hay thơ thẩn như cô trinh-nữ, cũng chỉ vì “rã rượi khóc tình thương”. Xem như thế, thì tình thương mới là tất cả, cho con người. Dù người đó, hay tôi đây là con dân nhà Đạo hay chỉ là người thường ở ngoài đời, rất tình đời.

            Lm Richard Leonard sj

            Mai Tá lược dịch

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31