TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 6: THỂ HIỆN VAI TRÒ MỤC TỬ

Written by xbvn on Tháng Mười Một 1st, 2020. Posted in Linh mục, Tâm linh, Đại Chủng Viện Huế

Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ sáu:

Bài VI :  Thể hiện vai trò mục tử

1. Bầu khí thời đại

Từ thế kỷ XVII, thế giới tây phương đã tiến một bước rất dài nhờ áp dũng những phương pháp khoa học. Triết gia Descartes đã khởi đầu cho thời đại mới với cuốn Phương Pháp Luận, tác phẩm được coi như một thứ hiến chương của thời đại mới. Trong thế giới hiện nay, bất cứ một lãnh vực nào cũng đều được nghiên cứu một cách khoa học, được áp dụng bằng một phương pháp khoa học.

Phương thức quản trị là một phương pháp khoa học của thời đại. Phương thức quản trị mang lại những hiệu năng trước mắt; và người linh mục cũng cần áp dụng phương pháp quản trị khoa học trong lãnh vực điều hành giáo xứ. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, phương pháp bao giờ cũng dính liền với một thứ “tinh thần”. Thay đổi phương pháp mà không thay đổi tinh thần thì cũng chỉ là một thứ “hồn trương ba da hàng thịt”. Ngược lại, một khi chỉ biết áp dụng phương pháp một cách nô lệ, thì dần dần người ta cũng bị thay đổi tinh thần theo phương pháp ấy. Một phương pháp khoa học cần một tinh thần khoa học . . . Xã hội hiện nay là một xã hội của khoa học. Sâu xa trong lòng tâm thức con người là một thái độ sính khoa học.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, tự bản chất, Tin Mừng đức Giêsu là một cuộc đảo lộn qui luật thế gian. Cũng chính vì đức Giêsu không đáp ứng những yêu sách có tính thế gian của người Do Thái mà Ngài bị giết chết. Chính vì đức Giêsu không thiết lập Vương Quyền bằng quyền bính, bằng sức mạnh nên tất cả người Do Thái thời đó, cả các tông đồ cũng đều bị “bé cái lầm”. Các ông tưởng rằng Chúa lên Giêsusalem để thiết lập vương quyền và cần mau chóng tìm một chỗ tốt nhất trong Nước của Ngài {Ga }. Đức Giêsu đã nói rõ chiều hướng đảo ngược của cộng đoàn Kitô hữu, cộng đoàn Giáo Hội : Trong cộng đoàn của Giáo Hội, Chúa Giêsu cho thấy rõ có một sự khác biệt căn bản : giữa anh em thì không như vậy; người làm lớn thì phải phục vụ anh em . . .  {Mt 18}

Quả thật là khó khi mà một người cầm quyền mà lại không sở dụng quyền bính; khi một người có trách nhiệm quản trị nhưng lại thực sự là một người phục vụ, người hầu hạ người khác. . . Khi người linh mục khi áp dụng phương thức quản trị trong giáo xứ cũng thường dễ bị kéo theo một “tinh thần” thế gian : cám dỗ thi hành công tác như một công chức; cám dỗ quản trị giáo xứ chứ không phải là mục tử; cám dỗ an thân, dễ dãi, thay vì đồng hành và liên luỵ với những khó khăn của con chiên thì người linh mục lại muốn ra những qui tắc chung, không giải quyết những hoàn cảnh trục trặc, khó khăn riêng biệt; cám dỗ vun đắp bản thân hơn là công hiến; thăng tiến trong “nghề nghiệp” chứ không phải là làm thăng tiến đời sống đức tin của người tín hữu. Sứ vụ của người mục tử lại trở thành một phương cách thi thố tài năng; khẳng định tầm mức của mình đối với các giáo xứ khác.

Có thật linh mục đau nỗi đau của con chiên lạc ? Linh mục vui mừng vì tìm thấy con chiên lạc. Có căn bệnh thành tích trong đời sống Giáo Hội giống như trong xã hội hiện nay không ?

Hình như có một nghịch lý căn bản trong vấn đề phục vụ. Đạo diễn Trần Văn Thủy, trong phim Chuyện Tử Tế đã cho thấy chuyện nghịch lý của những người “đầy tớ nhân dân”, những người đầy tớ đi xe con, xách cặp, đi trên thảm đỏ, trong khi nhưng người “chủ” của đất nước thì chen chúc nhau mua vé để có được một chỗ trên những chuyến xe chật cứng người. Chuyện nghịch lý như thế đã trở thành một thực tế “bình thường“ mà mọi người dần dần phải chấp nhận như một qui luật “bình thường” của cuộc sống. Tuy vậy, thực tế của cuộc sống ấy vẫn trở thành một điều gì mỉa mai, phũ phàng khi người ta cố ghép chúng với những từ hay ý đẹp như : “đầy tớ nhân dân”, “phục vụ”, “hy sinh”…

Chuyện nghịch lý như thế cũng diễn ra khá bình thường trong nhà đạo; tuy nó còn được bảo vệ bằng một tinh thần đạo đức và kính trọng “các đấng bậc” trong Giáo Hội. Thật ra, ngày nay, chúng ta đã có thể nghe được khá nhiều những lời phàn nàn về thái độ quan liêu và đòi hỏi người khác… của các linh mục; tuy nhiên, ta vẫn thấy phần lớn người giáo dân còn thật lòng tôn trọng “những người mang chức thánh”. Chỉ có điều, thỉnh thoảng được nghe những lời cám ơn, xưng tụng : “các cha đã bớt chút thời giờ vàng ngọc”, “không quản ngại đường xá xa xôi”, “vì lòng thương đã hy sinh”, “giúp đỡ chúng con”… thì cái nghịch lý, mỉa mai lại tỏ hiện như một cái dằm châm chích gây khó chịu.

Cái nghịch lý trong nhà đạo hiện nay được hoá giải hay được bao bọc bằng một bầu khí thiêng liêng, đạo đức; chính cái bầu khí đạo đức đậm đặc như thế đã có thể bao bọc khái niệm phục vụ, hy sinh với lối sống của những ông chủ. Tuy nhiên, bầu không khí nhà đạo đậm đặc đang dần dần loãng ra; tinh thần đạo đức chân thành và nặng tính tuân phục của người giáo dân đang dần dần thay đổi, nhất là với giới trẻ; điều đó chắc chắn sẽ dần dần làm nổi bật lên cái nghịch lý của những người phục vụ trong cung cách chủ ông, nếu như các “đầy tớ” không kịp thay đổi cung cách phục vụ của mình.

2. nguyên nhân của nghịch lý : những Qui luật “Tự Nhiên”

2.1. Qui luật cung cầu

Trong bầu không khí Giáo Hội Việt Nam hiện nay, Dân Chúa vẫn còn rất cần đến người linh mục. Người dân vẫn cần tới linh mục trong những lúc tang ma cưới hỏi và vẫn cảm thấy khó khi phải tìm những linh mục dâng lễ, giải tội, xức dầu… Khi số linh mục thì thiếu, mà nhu cầu dân Chúa vẫn còn đầy, thì vị thế của người linh mục sẽ đương nhiên trở nên quan trọng và quí giá. Chúng ta thấy rõ điều đó trong những dịp có các tân linh mục như hoàn cảnh hôm nay.

Người linh mục hiện nay dễ cảm thấy mình được chấp nhận một cách “tiên thiên”, nhờ chức thánh của mình; và tính cách dễ dàng được chấp nhận như thế làm cho người linh mục khó nhìn ra những khuyết điểm và thiếu sót của mình. Công việc của linh mục là một thứ “chuyên ngành cao cấp” không dễ tìm được người thay thế; và tính cách “độc quyền” như thế rất dễ làm cho linh mục trở thành quan liêu.

Mặt khác, trong một hoàn cảnh không cân đối về cung cầu như thế, người linh mục đã phải khá bận rộn để chu toàn được những trách nhiệm hiện hữu. Khí ấy, một linh mục nhiệt thành cũng thường cảm thấy ưu tiên số một của mình là cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của công việc đang làm. Rồi việc chu toàn những công việc hiện hữu, quen thuộc hàng ngày như thế lại dễ làm nẩy sinh tinh thần làm việc như những viên chức hành chánh, cố gắng chu toàn trách vụ của mình một cách liêm chính mà thôi.

Qui luật cung cầu như thế sẽ dần dần làm cho người linh mục cảm thấy ngại trước những công việc “ngoại khoá”; cảm thấy khó chịu trước những sự cố không theo chương trình đã sắp đặt của mình. Những thao thức về các nhu cầu mới của hoàn cảnh trở thành điều xa xôi và như thể vượt ngoài tầm tay.

2.2. Qui luật quản trị

Đây là một vấn đề đã nẩy sinh từ những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội. Từ thế kỷ thứ IV, khi Giáo Hội ra khỏi thời kỳ cấm cách, con số người tín hữu phát triển mau chóng thì nhu cầu quản trị đã trở nên quan trọng, lấn lướt cả giá trị đời sống chứng tá. Trong thời kỳ cấm cách, chính chứng tá của các vị tử đạo, giáo sĩ và giáo dân, là nguồn sức mạnh của đời sống Kitô hữu; giờ đây, chính vai trò quản trị trở thành sức mạnh của cộng đoàn Kitô hữu. Cũng chính vào thời kỳ này người giáo sĩ trở thành những người quản trị; người giáo dân trở thành “những đứa con nít phải trông chừng”, sách gọi là “Giáo Lý Các Tông Đồ”, vào thế kỷ IV, cho thấy điều đó.

Quả thật, Giáo Hội Công Giáo vốn là một tổ chức hết sức chặt chẽ, những sinh hoạt trong Giáo Hội được qui định luật lệ, được bảo đảm bằng trật tự…; và điều đó mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng không phải là không có những nguy hại. Dĩ nhiên, ở đây, tôi không muốn trở lại vấn đề đối lập giữa quyền bính và đoàn sủng, một vấn đề đã được vượt qua rồi[1]. Trong thực chất, quyền bính không bao giờ đối lập với đoàn sủng. Tuy nhiên, trong thực tế, ta thấy vai trò quản trị vẫn còn lấn lướt vai trò chứng tá trong Giáo Hội; và cung cách của quyền bính không phải luôn luôn song hành với sức mạnh của đoàn sủng. Khi tập thể càng đông, việc điều hành càng trở nên phức tạp, thì người điều hành càng phải rõ ràng và cứng rắn hơn. Mặt khác, khi người điều hành phải quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả của công việc, cái trách nhiệm đè nặng lên vai như thế buộc những người điều hành phải “bắt” người khác tuân theo những quyết định của mình, để có thể đạt được hiệu năng cần thiết cho công việc chung.

Cái qui luật quản trị như thế vẫn luôn là một cạm bẫy đối với tinh thần phục vụ của Đức Kitô, nó rất dễ dàng tạo cho vị thế của người linh mục trở thành những chủ nhân ông của giáo xứ, của mọi sinh hoạt trong cộng đồng dân Chúa.

2.3. Qui luật giá trị

           Lịch sử Giáo Hội cho thấy, khi người ta không còn cảm thấy tầm quan trọng chính yếu của bí tích Thanh Tẩy, không còn thấy được sự cao quí và bình đẳng về phẩm giá Kitô hữu, thì bậc thang giá trị trong Giáo Hội cũng được thiết lập : người giáo sĩ và tu sĩ, cùng với những gì liên hệ đến lối sống của hai tầng lớp này, trở thành lý tưởng cho mọi người, trở thành tiêu chuẩn đạo đức duy nhất.

Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng này, chẳng hạn :

– Diễn tiến của qui luật cung cầu và qui luật quản trị dần dần đưa đến một sự xác định những thứ bậc giá trị.

– Trong thời kỳ cấm cách, khi Kitô giáo là một cộng đoàn nhỏ bé giữa lòng “thế giới” của đế quốc Roma, thì các Kitô hữu gắn bó với nhau hơn; sự giống nhau của mọi Kitô hữu, khác biệt với thế giới ngoại giáo, dễ được nhận ra hơn. Ngược lại, khi cả “thế giới” của đế quốc Roma hầu như đã là toàn tòng, thì người ta lại bắt đầu tìm sự phân biệt giữa các Kitô hữu với nhau; bí tích Thánh Tẩy bị bỏ quên, người Kitô hữu được xác định bằng bí tích Truyền Chức, bằng lời Khấn Dòng hay bằng bí tích Hôn Phối…

– Thêm vào đó, tư tưởng của phái Tân-Platon, qua Âu Tinh, đã đưa vào Giáo Hội quan niệm khinh chê những gì là thế gian, xác thịt. Điều đó khiến cho đời sống của người giáo sĩ và tu sĩ lại càng trở nên lý tưởng đạo đức thánh thiện của mọi Kitô hữu.

Tất cả những điều đó khiến cho phẩm giá của người giáo dân chưa có được giá trị tự tại, mà luôn phải quay theo quỹ đạo giá trị của giới tu sĩ và giáo sĩ. Người giáo dân sống đời sống trần thế là chính yếu, nhưng lại luôn mang mặc cảm đó cách sống xa với đạo, “còn nặng nề với trách nhiệm trần thế” nên không thể trở nên đạo đức và thánh thiện…; người giáo dân luôn bị giằng co giữa trách nhiệm trần thế và những giá trị thiêng liêng của tôn giáo.

Thế là qui luật giá trị tạo nên một thứ bậc trên dưới giữa linh mục và người giáo dân. Những giáo huấn của Công Đồng Vatican II về sự bình đẳng trong “phẩm giá Kitô hữu” chưa thấm nhuần trong tâm thức giáo hội Việt Nam. Qui luật giá trị cũng làm người linh mục ít nhận ra đạo phải trợ giúp cho đời sống trần thế; linh mục phải thực sự là những người đáp ứng được những nhu cầu thực của cuộc sống thực nơi những người dân của Chúa. Sự hướng dẫn của linh mục vẫn thường nằm trong chiều hướng lôi người giáo dân ra khỏi cuộc sống thường ngày, qui về lối sống của linh mục tu sĩ, hơn là giúp người giáo dân sống đạo trong chính môi trường sống của mình. Lối sống của linh mục vẫn còn là trọng tâm của quỹ đạo sống của Dân Chúa.

***

Những qui luật bình thường của cuộc sống như thế cứ diễn tiến và chung đúc lại, tương tác nhau và làm cho cung cách của những người lãnh đạo trong Giáo Hội, những linh mục, luôn dễ dàng hướng chiều về cung cách của những người chủ trong đời sống Giáo Hội. Linh mục vẫn luôn là những người có quyền ra lệnh, có quyền quyết định, có quyền ban phát và từ chối ban phát… Những thứ quyền như thế, đương nhiên và dần dà, mặc cho linh mục những lợi lộc và những vinh quang; linh mục rất dễ dàng sống đời sống trưởng giả hơn giáo dân, dễ dàng được đón tiếp, được ca tụng, được nhìn nhận như là ân nhân, “và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân” [Lc 22,25].

 Cái bình thường của cuộc sống như thế cũng thường dần dẫn đến tình trạng người giáo dân dân phải hy sinh cho sự tiện lợi của linh mục; làm cho cung cách người linh mục thường giống như cán bộ thời bao cấp; làm cho sự hướng dẫn của linh mục thường giống như việc phân phối “nhu yếu phẩm”, phân phối đồng loạt, và ai cũng phải lãnh nhận như nhau, cho dù có những nhu cầu thực tế khác nhau; và làm cho người dân trở thành kẻ phải xin, phải xếp hàng, phải chờ đợi để lãnh nhận.

3. Nghịch lý của thập giá

           Trong Giáo Hội Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể thoáng thấy sự thay đổi qui luật của cuộc sống đã bắt đầu.

           Khi đời sống kinh tế phát triển, những nhu cầu của cuộc sống thường ngày trở nên rõ ràng, cấp bách, thì nhu cầu thiêng liêng được cung cấp theo kiểu bao cấp chắc chắn sẽ suy giảm. Nhu cầu của công ăn việc làm, thăng tiến xã hội, gia tăng tri thức, hưởng dùng những dịch vụ… sẽ thay thế nhu cầu đi lễ, đọc kinh và hưởng các ân đại xá…. Kinh nghiệm của các nước Đông Âu cho thấy rõ điều ấy.

           Cũng vậy, trong việc tổ chức đời sống của Giáo Hội, lâu nay, người linh mục đảm trách việc quản trị, thường thường theo kiểu gia trưởng và điều này sẽ dần dần bị đào thải. Hiện nay, phương pháp quản trị đã trở nên một khoa học vượt quá tầm tay của linh mục. Mặt khác, việc quản trị dần dà không còn phải là một việc dễ dàng, phụ thuộc, nhưng càng ngày càng trở nên một “nghề chuyên môn”, chiếm phần lớn thì giờ và không còn thích hợp cho vai trò linh mục nữa. Dần dần những người giáo dân có chuyên môn sẽ có thể thay thế được linh mục trong những trách vụ này. Kinh nghiệm của các nước Âu Mỹ lại cho thấy điều ấy.

           Và cuối cùng, qui luật giá trị, qui luật có nhiều ảnh hưởng nhất, cũng chẳng phải là không có vấn đề. Công Đồng Vatican II đã có những khẳng định về sự bình đẳng về phẩm giá Kitô hữu “Mặc dầu theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô” [GH 32]; và Bộ Giáo Luật mới cũng xác định cho chúng ta : “Giữa các tín hữu, nhờ sự tái sinh trong đức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng từng người” [GL 208].

           Trong chiều hướng ấy, các vị chủ chăn chắc cũng phải suy nghĩ lại các thức hướng dẫn của mình : “Các vị chủ chăn có bổn phận nhìn nhận và cổ võ các tác vụ, trách vụ và nhiệm vụ của giáo dân, những trách vụ và nhiệm vụ này đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, hơn nữa, đối với phần đông trong số họ, còn thêm bí tích Hôn Phối” [Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân, số 23].

Những thay đổi ấy có thể giúp chúng ta khám phá lại cái “nghịch lý căn bản”, nghịch lý của Thập giá. Khi Chúa Giêsu khẳng định “Thầy sống giữa anh em như người phục vu”, khi Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và nhất là Chúa Giêsu chịu chết để khẳng định “không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” [Ga 15,13], thì Chúa Giêsu đã làm một chuyện không bình thường. Con đường Chúa Giêsu kêu gọi những người môn đệ bao hàm một thứ phản đề chống lại qui luật tự nhiên của cuộc sống. Cái nghịch lý của Chúa Giêsu xuất phát từ chính cái nghịch lý của thập giá : “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” [1Cr 1,22-23].

 Nghịch lý của thập giá làm cho những qui luật bình thường của cuộc sống lại trở thành một chuyện nghịch lý “…Anh em thì không như thế…”; đồng  thời, nghịch lý ấy cũng làm cho lối sống của những ai muốn sống theo qui luật của Ngài, qui luật thập giá, mà lại cứ để mình trôi theo qui luật bình thường, Ngài làm cho lối sống đó trở thành cái gì khá mỉa mai.

 Chúa Giêsu muốn những người lãnh đạo trong Giáo Hội phải thực sự là những người phục vụ, mặc lấy cung cách của những người “đầy tớ”; dồn tất cả sức lực của mình và hy sinh mạng sống mình để phục vụ cho lợi ích của đoàn chiên, điều đó thực sự là một điều khó khăn. Cái qui luật bình thường của cuộc sống vẫn luôn là một cám dỗ, là cạm bẫy cho những người phục vụ Tin Mừng. Người môn đệ Chúa dễ mình trôi theo dòng đời, theo qui luật tự nhiên của cuộc sống và để mình bị đưa đẩy vào lối sống của những ông chủ mà nhiều khi vẫn hồn nhiên, tự tại.

Dù cho “vật đổi sao dời”, người môn đệ chúa cũng vẫn chỉ có một nền tảng để qui chiếu, một con đường để dõi theo, con đường của người môn đệ vác thập giá theo chân Thầy Giêsu.

Như thế, phương cách của người mục tử chân chính là “biết” chiên và chiên nghe tiếng của mục tử. {Ga 10}; đó là một sự cảm thông sâu xa, một sự chia sẻ trách nhiệm, thậm chí đến độ trao đổi vận mạng cho nhau; lấy sự thành đạt của vận mạng người khác làm mục tiêu của đời mình, đón nhận sự thất bại của vận mạng người khác như sự thất bại của chính bản thân mình. 

Nguồn sức mạnh của người mục tử chính là mẫu gương Đức Kitô, người mục tử duy nhất và mục tử chân chính nhất đối với toàn thể nhân loại cũng như đối với con chiên trong Giáo Hội. Hơn nữa, đức Giêsu không phải chỉ là mẫu gương mà còn là chính sự sống, sự sống yêu thương đến độ hy sinh mạng sống vì bạn hữu, sự sống ấy cần được tuân chảy, cần có khả năng nuôi dưỡng, thúc bách người linh mục trong sứ vụ mục tử mà đức Giêsu đã trao phó.

Tiêu chuẩn của người mục tử chân chính là “hy sinh tính mạng vì đoàn chiên” {Ga 10}. Mặc dù bản chất con người là giới hạn, nhưng ơn gọi của con người hướng tới vô biên, mặc dù khả năng con người yếu đuối, nhưng khát vọng của con người là tuyệt đối. Chính sức sống của Đức Giêsu là lý tưởng, là động lực, là nguồn mạch cho đời sống con người. Do vậy, mặc dù chưa thể hiện được trọn vẹn lý tưởng của một mục tử hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, nhưng người linh mục lại không bao giờ được quyền an thân, tự giải quyết bằng cách lấy một mức độ tương đối nào đó làm tiêu chuẩn. Hành trình của người linh mục không là gì khác hơn khởi từ chính thân phận tương đối của mình, nhờ sức mạnh của Đức Kitô để không ngừng vươn tới mức độ hy sinh bản thân mình cho đoàn chiên.

Tạm Kết

           Chúng ta có thể kể ra một vài thái độ tệ hại của người linh mục như một người mục tử, như một người phục vụ :

– mục tử kể chuyện xấu của con chiên trong sự khoái trá hỉ hả

– một mục tử “ăn miếng trả miếng” với người Kitô hữu

– mục tử không dám đảm nhận trách nhiệm như một người lãnh đạo, đổ lỗi cho đoàn chiên mà không biết tự trách bản thân mình

– mục tử chỉ lấy tiêu chuẩn trật tự, tiêu chuẩn nề nếp của tập thể làm vui mà không có khả năng hy sinh cho những con chiên lạc.

* Tác vụ Lời

Đọc Lc 12, 36-48

——–

[1] Đây là một vấn đề gây nhiều tranh luận : từ cuối thế kỷ XIX, A. Harnack đã phân biệt hai loại thừa tác viên trong Giáo Hội sơ khai : những thừa tác viên theo đoàn sủng và những thừa tác viện quản trị; và tác giả đề cao những thừa tác viên theo đoàn sủng. Điều này, được nhiều học giả khai thác đến độ tách biệt và đối lập giữa “đoàn sủng” và “định chế” hay “phẩm trật trong Giáo Hội”.

               Tuy nhiên, sau thời gian quá độ, giờ đây, trên phương diện lý thuyết, người ta đồng ý được với nhau rằng, tự bản chất, các ân huệ theo đoàn sủng và ân huệ thuộc phẩm trật cùng là ơn huệ của Thánh Thần. Hai loại ân huệ ấy không thể mâu thuẫn nhau, nhưng phải bổ túc, hỗ trợ cho nhau. “Thánh thần xây dựng và hướng dẫn Giáo Hội bằng nhiều ơn huệ khác nhau, theo phẩm trật và đoàn sủng…” [GH 4]

 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30