ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI NÓI CHUYỆN VỚI CÁC CHỦNG SINH

Written by xbvn on Tháng Một 15th, 2017. Posted in Huế, Linh mục, Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Chiều ngày 12/01/2017, Đại Chủng viện Huế vui mừng chào đón Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Đức Thánh cha Phanxicô tại Việt Nam. Trong dịp thăm viếng lần này, Vị Đại diện của Đức Thánh Cha đã có giờ huấn đức cho các chủng sinh vào lúc 14h tại nhà hội của Đại Chủng Viện. Cha Đaminh Phan Văn Anh, Giáo phận Huế, đã giúp chuyển ngữ trong buổi nói chuyện này.

Mở đầu buổi gặp gỡ, Cha Giám đốc Giuse Hồ Thứ đã có lời chào mừng Đức Tổng giám mục cũng như bày tỏ niềm vui và lòng cảm kích của toàn thể gia đình Đại Chủng viện đối với chuyến viếng thăm của ngài. Đồng thời, Cha đã giới thiệu chủng sinh của bốn Giáo phận: Huế, Đà Nẵng, Kontum và Hưng Hóa.

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã có lời chào các chủng sinh cách thân thiện bằng tiếng Việt: “Xin chào anh em”. Ngài cũng nói lên niềm vui khi có thể đến thăm và nói chuyện với các chủng sinh.

Trong buổi nói chuyện này, Đức Tổng Giám mục đã chia sẻ với các linh mục tương lai ba ý tưởng chủ đạo.

Điều đầu tiên Ngài nói đến là sự hiệp nhất trong Giáo hội. Qua Thánh Lễ nhậm chức của Đức Tân Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, các Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục và cộng đoàn quy tụ lại cho thấy ý nghĩa của sự hiệp nhất. Các Giám mục trước hết là biểu tượng của sự hiệp nhất các Giáo phận. Đồng thời, sứ mạng của các Giám mục là xây dựng sự hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa. Công việc này không chỉ là của các Giám mục nhưng chính các Linh mục là giềng mối hiệp nhất trong giáo xứ. Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli ghi nhận rằng, các linh mục là cánh tay nối dài của các Giám mục để  thăng tiến sự hiệp nhất trong Giáo hội. Linh mục kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn giáo xứ khi dám cho đi thời giờ của mình để cầu nguyện cho cộng đoàn, giảng dạy, lắng nghe, tiếp xúc với giới trẻ, những người đau yếu và tất cả những ai cần đến Linh mục… Linh mục là người thay thế Giám mục xây dựng sự hiệp nhất vì các Giám mục không thể vươn tới với hết mọi tín hữu. Ngài cảnh giác các linh mục tương lai cơn cám dỗ chỉ sống cho chính mình mà thôi với sự ích kỷ, giải trí cho mình… Đó là cám dỗ lớn của thời đại hôm nay. Ngài nhấn mạnh, bao lâu chúng ta còn sống ích kỷ, sống chỉ cho mình thì bấy giờ chúng ta làm đỗ vỡ và cắt đứt sự hiệp nhất.

Thứ hai, Đức Tổng Giám mục nhắc nhở các chủng sinh về vai trò của người mục tử mà họ sẽ đảm nhận trong tương lai theo gương Đức Giêsu là mục tử tốt lành hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Với ý tưởng này, Đức Tổng Giám mục đã kể lại câu chuyện cách đây hai năm, ngài có cơ hội đi Giêrusalem và ngài đã đến Bêlem. Các hang mà ngài đến thăm ở nơi này có các mục đồng và các đoàn súc vật của họ. Người hướng dẫn đã đưa ra một hình ảnh làm ngài ấn tượng và hấp dẫn ngài. Người hướng dẫn nói, theo truyền thống, người mục tử nằm ở cửa để chiên không ra ngoài được và người ngoài cũng không đột nhập được vào bên trong. Từ hình ảnh đó, Đức Tổng Giám mục đã liên tưởng đến những lời Đức Giêsu đã nói: “Tôi là mục tử nhân lành” (Ga, 10,11.14) và “Tôi là cửa” (Ga 10,7.9).  Các mục tử là người bảo vệ Hội Thánh. Theo ngài, những mục tử tốt lành phải nằm ở cửa chuồng chiên khi màn đêm buông xuống, để bảo vệ đoàn chiên, để ngăn không cho kẻ trộm đột nhập từ bên ngoài, và ngăn không cho những con chiên đi ra khỏi chuồng. Đoàn chiên sẽ được yên ổn và không có hiểm nghèo nào tấn công họ vì đã có người mục tử nằm ngay ở cửa. Hình ảnh người mục tử tốt lành diễn tả hình ảnh người Linh mục hy sinh cho cộng đoàn. Hy sinh chính mình có nghĩa là hy sinh cho đoàn chiên được trao phó và cho Hội Thánh.

Thứ ba, Đức Tổng Giám mục nối kết quá trình đào tạo ở Đại Chủng Viện với thời gian sống ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth. Ngài nói rằng, thật là thích hợp để nói về ý tưởng này khi chúng ta vừa mừng đại lễ Giáng Sinh. Từ Tin Mừng, chúng ta biết nhiều thông tin về Bêlem, về thời thơ ấu của Đức Giêsu, về Phép Rửa tại sông Giordan, về Tử Nạn và Phục Sinh… nhưng cuộc sống ẩn dật của Đức Giêsu với 30 năm vâng phục thì Tin Mừng dường như ít nói đến. Giai đoạn Nazareth có lẽ được gọi bằng thinh lặng và ẩn dật. Đức Giêsu ở đó, vâng lời cha mẹ, tuân theo mọi lề luật của truyền thống và ở đây không có gì khác lạ. Tinh thần Nazareth là Đức Maria và Thánh Giuse có cơ hội lắng nghe, sờ đụng Đức Giêsu. Từ đó, Đức Tổng Giám mục nhắn nhủ các chủng sinh về thời gian đào tạo ở Đại Chủng Viện phải được xem như thời gian Đức Giêsu sống ẩn dật tại Nazareth với bầu khí thinh lặng không chỉ bên ngoài mà cả bên trong như Đức Mẹ và Thánh Giuse đã lặng lẽ chiêm ngắm Đức Giêsu. Noi gương Đức Mẹ và Thánh Giuse, các thầy lắng nghe, sờ đụng, gặp gỡ và cảm nhận Chúa Giêsu mỗi ngày qua việc đọc Lời Chúa và cử hành các Bí tích, nguyện gẫm. Ngài cũng nhắn nhủ các chủng sinh về tinh thần vâng phục như Chúa Giêsu hằng vâng phục cha mẹ.

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Tổng Giám mục đã chúc các chủng sinh có thể trở nên những mục tử tốt lành nhờ việc chuẩn bị cho mình trong thời gian đào luyện ở Đại Chủng Viện như Đức Giêsu tại Nazareth.

Đức Tổng Giám mục đã dành ra một khoảng thời gian để đối thoại với các chủng sinh. Các thầy đặt cho ngài những câu hỏi liên quan đến việc mục vụ, truyền giáo, đời sống linh mục,… Ngài đã trả lời những câu hỏi được đặt ra một cách thú vị với kinh nghiệm và mong ước của ngài, đồng thời, ngài có lời khích lệ các chủng sinh trong hành trình dâng hiến hôm nay và mai ngày.

Cuối buổi gặp gỡ, Cha Giám đốc thay lời cho toàn thể gia đình Đại Chủng Viện bày tỏ lòng biết ơn đối với chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám mục, và cầu chúc ngài một năm mới an khang, thánh đức. Các chủng sinh đã chúc mừng năm mới đến Đức Tổng Giám mục bằng một bài hát.

Buổi nói chuyện kết thúc lúc 15h cùng ngày. Đức Tổng Giám mục đã ban phép lành cho toàn thể mọi người.

BTT ĐCV Huế

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31