ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: HAI LỚP THẦN HỌC II VÀ TRIẾT HỌC II THĂM VIẾNG CÁC BỆNH NHÂN TÂM THẦN

Written by xbvn on Tháng Mười 6th, 2016. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về một Giáo Hội đi ra vùng ngoại biên, và trong chiều kích đào tạo mục vụ ở Đại Chủng Viện, đặc biệt trong năm Thánh “Lòng Thương Xót”, Ban Mục vụ Đại Chủng Viện Huế đã tổ chức chuyến viếng thăm các bệnh nhân tâm thần ở Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chuyến viếng thăm được dành cho quý thầy của hai lớp Thần học II và Triết học II. Cùng đi với đoàn, có Cha Micae Nguyễn Hữu Đức, Đặc trách Mục vụ, và một số mẹ thuộc giáo xứ Kim Long.

Đúng 8h00 sáng ngày 29/09/2016, tất cả quý thầy quây quần xung quanh tượng Chúa Giêsu Mục Tử ở tiền đường Đại Chủng Viện cùng với Cha đặc trách Mục vụ để xin Chúa thánh hóa cuộc viếng thăm và gặp gỡ này, cũng như cầu xin Chúa ban cho mỗi người có được những tâm tình của Chúa Giêsu Mục Tử để luôn biết nhạy cảm với những đau khổ của anh chị em mình.

8h30, đoàn thăm viếng đã đến Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội, phường Hương Hồ, Thị Xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Đây là nơi chăm sóc và điều trị những người không may mắc phải căn bệnh tâm thần.

Sau khi gặp gỡ và được sự đồng ý của vị Giám đốc điều hành trung tâm, quý thầy bắt đầu tiếp xúc, trò chuyện với những bệnh nhân cũng như thăm viếng nơi ăn chốn ở của những anh chị em nơi đây. Đa số trong quý thầy là người đến đây lần đầu. Chính vì thế, khi mới đến, quý thầy có sự ngạc nhiên trước sự sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ cũng như sự quản lý cách khoa học của những người điều hành trung tâm.

Hiện nay, trung tâm Bảo Trợ Xã Hội này có 468 bệnh nhân tâm thần đang được điều trị và chăm sóc. Họ đến từ nhiều nơi trong cả nước. Trong đó, đa số trong họ đến từ ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Điều hành trung tâm có 66 người bao gồm: 16 y bác sĩ, 17 người bảo vệ và những người còn lại là nhân viên phục vụ trong các công việc khác.

Trung tâm được chia thành 2 khu vực: một dành cho nam và một dành cho nữ. Cơ sở vật chất ở đây khá đầy đủ với những dãy nhà ở, phòng đọc sách, phòng giải trí, khu thể thao và căn-tin… Anh chị em bệnh nhân có giờ giấc sinh hoạt rõ ràng. Họ sinh hoạt và tự quản lý theo từng đội hay từng tổ. Họ có giờ lao động với nhiều công việc như: thêu nón lá du lịch, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi bò, nuôi cá, trồng rau… Ngoài giờ lao động để rèn luyện sức khỏe và nâng cao đời sống, họ còn có giờ đọc sách, thể thao, giải trí… Niềm vui lớn nhất của họ là những giờ văn nghệ chung. Tất cả hoạt động đó đều có mục đích giúp cho các bệnh nhân có an sinh tốt hơn để họ vơi đi những bất hạnh do căn bệnh tâm thần mang lại.

Quý thầy đã chia ra thành từng nhóm nhỏ để dễ gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe và trò chuyện với các bệnh nhân. Điều làm quý thầy ngạc nhiên là tinh thần lạc quan của những anh chị em bệnh nhân nơi đây. Họ đã chia sẻ với quý thầy về cuộc sống hiện tại, về những biến cố đã qua hoặc những niềm vui, nỗi buồn của số phận…

Khoảng 10h00, quý thầy tập trung ở nhà ăn của trung tâm để chuẩn bị bữa ăn trưa cho anh chị em nơi đây.

Sau đó, quý thầy lên đường trở về Đại Chủng Viện. Trên xe, quý thầy đã chia sẻ với nhau về những gì đã cảm nhận được qua chuyến viếng thăm. Tất cả đều thể hiện sự đồng cảm, xót xa trước những bất hạnh của những anh chị em bệnh nhân tâm thần ở trung tâm bảo trợ xã hội.

 Chuyến viếng thăm đã kết thúc nhưng có nhiều điều đọng lại trong lòng mỗi chủng sinh. Và có một điều chắc chắn rằng, trong những lời nguyện cầu của quý thầy sẽ có sự hiện diện của những người con trai con gái của Thiên Chúa đang gặp đau khổ và bất hạnh trong cuộc sống này.

Maria Nguyễn Hiếu Đức, Lớp Thần học II

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30