ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: QUÝ THẦY TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN

Written by xbvn on Tháng Mười 30th, 2020. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng đầu tiên.

Bài I : Khám phá lại nét đẹp “nhân bản”

của đời sống đức tin

1. Bầu khí xã hội hiện nay

Chúng ta đang sống trong bầu không khí “kinh tế thị trường”, điều này không chỉ là một phương thức sản xuất, với lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mang tính cách thị trường, nhưng còn bao gồm của một lối sống mới trong quan hệ xã hội, một phương cách mới trong tương quan quan người với nhau, một não trạng mới trong tâm hồn con người và một tinh thần mới liên hệ cả đến những giá trị căn bản của đời sống xã hội. Trong cả một tổng thể ấy, dĩ nhiên có những điều hay và và những điều dở.

Trong lãnh vực đời sống Giáo Hội, bầu không khí kinh tế thị trường buộc chúng ta trình bày “sản phẩm” của mình cách nào đó đáp ứng đúng nhu cầu của quần chúng, chứ không phải giữ mãi phương thức “bao cấp”; buộc chúng ta phải coi trọng “khách hàng” chứ không thể đứng mãi ở vị thế  người ban phát và điều hành theo phương thức xin-cho; thể hiện một thứ độc quyền để bắt người tín hữu phải “xếp hàng”, “chờ đợi”. . .

Dĩ nhiên, đây không phải là một phương thức mị dân, và không bao giờ có thể bóp méo Tin Mừng vì những lợi ích trước mắt, theo sự khôn ngoan tính toán của “thế gian”, nhưng chính bầu không khí kinh tế thị trường có thể thúc bách chúng ta, những người mục tử, khám phá ra sự hoà hợp sâu xa giữa bản chất đích thực của con người với Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Thật sự mục tiêu rao giảng Tin Mừng tình yêu của Đức Kitô, Tin Mừng tự do con cái Chúa không thể được thể hiện bằng một phương thức có tích cách áp đặt, mà bằng một sự chinh phục tận con tim. Điều này thực sự là một thách đố cho việc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay.

Bước vào nền “kinh tế thị trường”, nghĩa là chúng ta phải ra khỏi khu vực độc quyền của một thứ “giáo xứ toàn tòng”, từ bỏ thái độ ban phát không cần biết đến nhu cầu thực sự của “người tiêu dùng”; can đảm từ bỏ “cơ chế xin-cho” trong giáo Hội, thẳng thắn đối diện với những sức mạnh cạnh tranh của những “sản phẩm” khác nhau đáp ứng nhu cầu của con người ngày nay : thăng tiến nghề nghiệp, cuộc sống sung túc, các chủ trương nhân bản, các tôn giáo khác . . . .

Nếu ai có kinh nghiệm trình bày đạo lý Kitô giáo cho người ngoại giáo, nhất là những người trí thức một chút, thì sẽ nhận ra tính chất thách đố này; và điều đó có thể trở nên một thứ trắc nghiệm cho giá trị nhân bản Kitô giáo của chúng ta.

2. Bài học lịch sử

Ngay từ khi khai sinh, Kitô giáo đã phải đối diện với một nền văn minh ngoại giáo khổng lồ, triết học Hy Lạp và hệ thống tổ chính chính quyền của Rôma, đối diện trong  một cuộc chiến bất cân xứng. Kitô giáo khi ấy là một nhóm nhỏ yếu kém bị bắt hại; Kitô giáo là một Tin Mừng đơn giản so với những học thuyết cao sâu. Thế nhưng, Kitô giáo đã chiến thắng. Dĩ nhiên đó là công trình của Thiên Chúa, nhưng người ta cũng nhận ra trong chiến thắng này những yếu tố cụ thể, đó là sự cao cả của các vị tử đạo và chứng tá của một đời sống tràn đầy giá trị nhân bản, đặc biệt là đức ái. Daniel-Rops nói :

“. . . chính bởi vì các Kitô hữu đã dám khẳng định niềm tin của mình trong mọi hoàn cảnh, bởi vì đời sống của các Kitô hữu, nói chung, thể hiện một cách tuyệt vời đức ái và sự công chính, bởi vì cái chết anh hùng của họ thật đàng khâm phục và cộng đồng các Kitô hữu lôi cuốn các tâm hồn”[1]

Quả thật, trong thế giới ngoại giáo, khi mà trong các cuộc chiến tranh và ngay trong sinh hoạt giải trí man rợ của đấu trường, người ta dễ dàng hy sinh mạng sống con người hoặc lấy mạng sống con người để mua vui thì Kitô giáo lại hết lòng tôn trọng con người, nhất là những người bé mọn. Điều đó thể hiện trong câu nói nổi tiếng của thánh Irênê : “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”.

Một bài học khác trong lịch sử đó là học thuyết của thánh Thomas. Chúng ta biết rằng, vào thế kỷ XIII, khi mà khi đó giới trí thức bắt đầu khám phá Aristote và mê say những giá trị đời, thì Thánh Thomas cũng đã chọn lựa một thái độ, có thể nói là hết sức nhân bản, khi tìm cách rửa tội cho học thuyết Aristote và tận dụng những giá trị nhân bản của học thuyết ấy. Có thể nói trực giác căn bản của Thánh Thomas là lập trường “ân sủng không phá đổ nhưng kiện toàn tự nhiên”. Từ trực giác ấy, Thánh Thomas cho thấy tất cả mọi thực tại trần gian, mọi yếu tố trong bản chất con người, mọi sinh hoạt của tình cảm, sinh lý, dục vọng của con người, tự bản chất, đều là tốt và đều là thành quả phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa : “Nhưng tình yêu của Thiên Chúa chính là nguyên nhân phú ban và tác tạo nên lòng tốt trong mọi hữu thể[2]. Chính chọn lựa khôn ngoan ấy đã cứu cho thế giới Tây Phương một sự khủng hoảng trầm trọng, khi thay thế nền móng của xã hội từ học thuyết Platon sang học thuyết của Aristote.

Sau cùng chúng ta cùng sống lại kinh nghiệm “mở cửa” của Công Đồng Vatican II để “căn phòng Giáo Hội” khỏi ngột ngạt và đón nhận luồng gió mát từ cuộc sống trần gian. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã khởi đầu một chiều hướng mới của Giáo Hội bằng những lời toát lược toàn bộ ý hướng của Hiến Chế :

“Vui Mừng và Hy Vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngay nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của ho được cầu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận được mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại” {MV 1}

Có thể nói, mặc dù đã hơn 60 năm sau công đồng, chiều hướng tôn trọng trần gian, vui buồn với những kho khăn và thành tựu của trần gian, vẫn chưa thấm sâu vào tâm thức của người Kitô hữu và cả đối với tầng lớp giáo sĩ. Chính điều ấy tạo nên sự lệch lạc trong đới sống đạo : rất sốt sắng và rầm rộ trong sinh hoạt, trong tổ chức, nhưng lại rất ít biến đổi đời sống, rất ít giá trị Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày. Hơn ai hết, Giáo Hội Công giáo Việt Nam cần đọc lại lời cảnh báo của Hiến Chế Mục Vụ :

“Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải kiếm tìm một quê hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian, như thế là không nhận thấy chímh đức tin buộc phải chu toàn các bộn phẩn đó hoàn hảo hơn, mỗi người người tuỳ theo ơn gọi của mình. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ còn hệ tại những hành vi phượng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải được kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta”. {MV 43a}

Điểm lại một vài chặng quan trọng trong lịch sử Giáo Hội để chúng ta nhận ra rằng chiều hướng của Giáo Hội Việt Nam hiện nay khi phải đối diện với những biến chuyển sâu xa do tác động của nền kinh tế thị trường.

3. Đọc lại Tin Mừng

Tin Mừng của Đức Giêsu không phải là một thái độ bi quan yếm thế trước những khó khăn của cuộc sống, nhưng là niềm hy vọng để con người được sống một cách dồi dào :

“Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào” {Ga 10,10};

Chiều hướng ấy không ngừng được Giáo Hội lặp lại.  Công đồng Vatican II khẳng định :

“Giáo Hội cho rằng nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa” {MV 21c};

hoặc nói như Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu, đó là một nền văn hoá tôn vinh sự sống toàn diện :

“. . . chúng ta ta phải tìm hiểm, thẩm định giá trị sự sống con người trong ý nghĩa toàn diện, tức là bản chất và giá trị cao quý của sự sống; sự sống như món quà của Thiên Chúa {St 2,7; Cv 17,25}; như sự thông chia chính sự sống của Thiên Chúa {Rm 6,23; Ga 4,10; Kh 21,6}; sự sống ngày nay với những phấn đầu không ngừng để vươn đến sự sung mãn định sẵn từ muôn thuở cho con người {Rm 6,22}; sự sống viên mãn {Ga 10,10} trong Nước Thiên Chúa sẽ đến”[3].

Chúa Giêsu mời gọi môn đệ đi vào con đường hẹp {x. Mt 7,13-14} chứ không phải là con đường dễ dãi; hành trình theo đức Kitô là hành trình vác thập giá {Lc 9,23}; chấp nhận làm môn đệ Đức Kitô là “không hơn Thầy”, Thầy bị bắt bớ, thì môn đệ cũng bị bắt bớ. Tuy nhiên, tất cả những điều đó có nghĩa là một sự chống lại “thế gian” hư hoại chứ không phải chống lại sinh hoạt bình thường của cuộc sống con người. Chúng ta biết thứ nhị nguyên thường thấy trong Tin Mừng của thánh Gioan và thư Phaolô giữa sáng sáng và bóng tối, sống và chết, chân lý và dối trá, bên trên và bên dưới, tinh thần và xác thịt, con người mới và người cũ . . . {Ga 3,31; 15,18tt; 17,14-16; 1Ga 4,5tt; 5,4-19; Rm 12,2; 1Cr 2,12; 6,14 . . .} không phải là một thứ nhị nguyên hữu thể học, tức là không phải chống lại thế gian như là cuộc sống làm ăn, sinh hoạt thường ngày; nhưng là một thứ nhị nguyên luân lý, nghĩa là chống lại một thứ thế gian hư hoại, sa đoạ về luân lý[4]. Tin Mừng của Chúa không bao giờ chống lại những nhu cầu đích thực của con người, những giá trị nhân bản đích thực của chính Thiên Chúa ghi ấn dấu trong bản chất con người.

Lối nhìn ấy đưa chúng ta trở lại với thế giới tươi đẹp của Thiên Chúa như khi Ngài sáng tạo :

“Thiên Chúa thấy mọi sự  Người làm ra quả là rất tốt đẹp“ {St 1,31; Xc. St 1, 3.10.12.18.21.25.}

Trong quan điểm thần học của Công giáo, tính chất tốt, đẹp, thiện, chân . . . ấy của cuộc sống trần gian chỉ bị che mờ vì tội lôi chứ  không phải bị hư hoại hoàn toàn như quan niệm của Luther. Và như thế quan niệm công chính hoá theo quan điểm Công giáo cũng không phải chỉ là một sự công chính hoá theo pháp lý {được Chúa kể là công chính mặc dù bản chất vẫn là hư hoại, và con người ta vừa là thánh vừa là tội nhân} như Luther nhưng là một sự biến đổi của ân sủng đối với cuộc sống đích thực của con người.

4. Thách đố của người linh mục tương lai

Đường hướng của Thánh kinh và thần học trong việc tôn trọng thực tại trần gian như thế chỉ có thể được thể hiện, được bộc lộ một cách cụ thể trong lời giảng và trong cách sống của linh mục cũng như đối với người Kitô hữu nói chung; và đây là trách nhiệm dài hơi, nghĩa là cần được mỗi người không ngừng khám phá. Chúng ta không thể chấp nhận một đời sống đức tin nhưng lại dúm dó, với một nhân cách tụt hậu {lo lắng, tính toán hơn thiệt, giữ đạo hình thức . . .}

Người mục tử trong nền kinh tế thị trường, nghĩa là trong bầu khí có rất nhiều lời mời mọc hấp dẫn của cuộc sống xã hội hôm nay, cần phải khám phá những nét đẹp nhân bản đích thực của Kitô giáo để có thể “sòng phẳng” chinh phục được con người trong bầu không khí thị trường, chứ không phải lợi dùng uy thế, đe dọa để ép buộc người ta phải tiêu dùng “sản phẩm” của mình. Chỉ khi ấy, người linh mục mới có thể trình bày một hình ảnh Kitô giáo hấp dẫn và thuyết phục đối với con người ngày nay. Trước tiên, người linh mục cần phải can đảm đi vào cuộc “cạnh tranh” một cách sòng phẳng thì mới có thể khám phá ra được nét đẹp ấy. Ngược lại, nếu chọn con đường dễ dãi, la mắng và áp đặt, đe doạ và đòi hỏi . . . thì cũng chỉ giữ được “phần xác” của người giáo dân mà thôi.

Tạm Kết

Quan niệm trước Công Đồng Vatican II, theo đó :

“Theo linh mục Teilhard de Chardin, không có gì là quá đáng khi chúng ta quả quyết rằng giai đoạn trước Công đồng Vatican II, chín phần mười Kitô hữu giữ đúng luật Hội Thánh đều coi việc đời như là cái gì ”cản trở con đường thiêng liêng”[5].

Hình như quan niệm đó vẫn còn khá nhiều, ý thức hoặc vô thức, trong đời sống Giáo Hội việt Nam.

 

* Tác vụ Lời

Đọc Ga 10, 1-18

 

[1] Daniel-Rops, L’1 Eglise des Apotres et des Martyrs, Paris, Librairie Arthème Fayard, 1951, p.240.

[2] S. Thomas, S.T. I part, q.20, a.2.

[3] Xc. Gia đình Á Châu hướng đến nền văn hoá sự sống toàn diện, Tài liệu đúc kết Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu lần VIII, họp từ 17 – 23.08.2004 tại Daejon, Hàn Quốc; gởi toàn thể Dân Chúa vùng Á Châu và mọi người thành tâm thiện chí, Tủ Sách Mục vụ, Phần B, trang 55-65

[4] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Vatican II : Cánh cửa mở ra thế giới. Nguyệt san Công và Dân Tộc, số 130, tr. 28-29.

[5] Nguyễn Thái Hợp, Sđd, tr. 27.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30