SẮP PHÁT HÀNH: LỄ HIỆN XUỐNG Ở Á CHÂU – cách thế mới để thể hiện Giáo hội

Written by lcd on Tháng Tư 24th, 2015. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Lm Lê Công Đức, Sách - livres, Thiên Phong

Nguyên tác: Pentecost in Asia: A New Way of Being Church – Tác giả: Thomas C. Fox – Người dịch: Lm. Lê Công Đức

ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU:

Giáo hội địa phương là sự hiện diện năng động của Giáo hội phổ quát. Nhưng Giáo hội phổ quát cũng là sự hiệp nhất, hiệp thông của các Giáo hội địa phương. Hai đàng định nghĩa cho nhau. Nói “Giáo hội tại Việt Nam” cũng ổn, mà nói “Giáo hội Việt Nam” cũng chẳng sao.

Quyển sách này nói về Giáo hội tại Á Châu, về sự hình thành của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), và về những cố gắng thăng tiến đời sống và sứ mạng của các Giáo hội địa phương trên phần lục địa này.

Do hoàn cảnh riêng của mình, đa số người Công giáo Việt Nam, kể cả nhiều linh mục và tu sĩ, dường như còn khá lạ lẫm với FABC và với những thành quả định hướng thần học và mục vụ mà FABC đạt được từ những nỗ lực cần cù trong hơn bốn thập niên qua – ngay cả dù HĐGM Việt Nam vốn là một thành viên đồng sáng lập của FABC, và dù Hội nghị Toàn thể mới nhất của FABC đã diễn ra ngay tại Xuân Lộc, tháng 12 năm 2012.

Tôi thích ghi nhận của tác giả về tính chất vừa rỗng vừa đầy của ý niệm “Á Châu” trong tư cách một tính từ. Xem chừng chẳng có cái gì là “Á Châu” cả, bởi vì thực ra có vô số những kinh nghiệm, thái độ, văn hóa, và niềm tin “Á Châu”. Dù sao, hai tiếng “Á Châu” giúp ta ý thức một thực tế rằng có những khác biệt giữa Đông và Tây, nhất là khi nói về tầm nhìn mục vụ và sứ mạng. Bởi thế tôi tin rằng, cách nào đó, người Công giáo Việt Nam sẽ gặp thấy chính mình bàng bạc trong câu chuyện kể về “Lễ Hiện Xuống ở Á Châu” của tác giả.

Tôi đặc biệt thú vị đối với lược thuật của tác giả về Synod 1998 (Thượng Hội Đồng Giám Mục về Á Châu), về những phản hồi đầy kịch tính của các giám mục FABC trước Bản Câu Hỏi (Lineamenta), và về tiến trình của chính Synod này, cho đến khi thành quả cuối cùng của nó là Tông huấn Giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) được công bố.

Tại Việt Nam, Ecclesia in Asia được học tập ít nhiều sôi nổi xung quanh dịp Năm Thánh 2000, nhưng nay – mười lăm năm sau – có vẻ ít còn được ai nhắc đến; âu cũng là số phận của những văn kiện. Nhưng nó chưa chết, hay chưa chịu nhắm mắt, bởi vì ít ra là Đức Giáo hoàng Phanxicô vừa mới có một loạt trích dẫn từ văn kiện này trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của ngài.

Quả thật, tầm nhìn về một “Giáo hội đi ra” của Đức Phanxicô đang đem lại sự khích lệ đặc biệt cho định hướng về một “cuộc đối thoại ba mặt” của các giám mục FABC, một định hướng mà trong thực tế hai trong ba mặt của nó từng liên can đến nhiều căng thẳng. Hồi cuối năm 2009, tôi đã có viết bài “Truyền Giáo?” đăng trên mạng, trong đó có đề cập đến những căng thẳng này (x. http://giaophandanang.org/articles/view/truyen-giao).

Thomas C. Fox là một cây bút người Mỹ có duyên gắn bó mật thiết với Công giáo Á Châu, đặc biệt với Việt Nam ngay từ những năm đầu thập niên 1960, khi cuộc chiến đang khốc liệt tại đất nước này. Tác giả từng học về Á Châu, từng sống nhiều năm ở Á Châu, và từng theo dõi sát nút các thời sự Giáo hội Á Châu (có mặt tại Synod 1998 ở Rôma, rồi tại Hội nghị Toàn thể FABC lần thứ 7 tại Sam Phran vào năm 2000). Vì thế, sự nắm hiểu sâu sắc của tác giả về tâm hồn Đông phương và về những niềm hy vọng của Công giáo Á Châu thật đáng khâm phục.

Bản dịch của quyển sách được thực hiện cách đây mấy năm để đáp ứng cho nhu cầu riêng, nay mới có dịp giới thiệu rộng rãi. Xin chân thành cám ơn sự cho phép của tác giả và của nhà xuất bản Orbis.

                              người dịch: Lm. Giuse Lê Công Đức

(tháng 4, 2015)

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31