TẦM NHÌN CẢI TỔ GIÁO HỘI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Written by lcd on Tháng Ba 4th, 2022. Posted in Lm Lê Công Đức, Thiên Phong

  1. Thượng Hội Đồng Giám Mục 2021-2023: Một Synod về Synodality!

Thấm thóat mà đã 5 tháng trôi qua kể từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục lần này, với chủ đề “Hướng tới một Hội Thánh ‘hiệp hành’: Hiệp thông, Tham gia, Sứ mạng”. Các giáo phận đã tổ chức Thánh lễ Khai mạc, đã cắt đặt các nhân sự gọi là ‘linh họat viên’, đã xúc tiến những hội nghị, đã phân công cho các giáo hạt, giáo xứ các chương trình sinh họat liên quan, đã in ấn các tài liệu và phổ biến rộng rãi… Tháng 10 năm tới (2023), sau khi đã tổng kết giai đoạn thứ nhất tại các Giáo hội địa phương, các giám mục đại biểu mới qui tụ về Rôma để tiến hành giai đoạn thứ hai là các phiên họp của Thượng Hội đồng như thông lệ.

Hai tiếng ‘hiệp hành’ được nhắc đến khá nhiều dạo gần đây. Ban đầu nghe lạ tai, mà nghe hơi nhiều rồi cũng đỡ lạ hơn chút! Thực ra, từ ngữ thì mới lạ nhưng điều mà nó muốn nói không lạ chút nào. Đặc tính ‘hiệp hành’ (mà tôi thích dùng cụm từ ‘đồng hành đồng nghị’ hơn) vốn thuộc về bản chất của Giáo hội ngay từ thuở mới khai sinh. Nó mờ đi, thì tìm cách khơi cho nó sáng tỏ lên, vậy thôi. Hơn nữa, đặc tính này đã được chú giải ngay trong chủ đề của Thượng Hội đồng bằng ba khía cạnh: hiệp thông, tham gia, và sứ mạng. Mọi người thấy đó, chẳng có ý niệm nào trong ba ý niệm ấy là mới hay lạ cả! Cẩm nang hướng dẫn còn chỉ ra cụ thể hơn cho ta rằng toàn thể tiến trình này cốt ở việc lắng nghe và phân định.

‘Lắng nghe’ và ‘phân định’ cũng không phải là những từ ngữ mới lạ, có chăng là những thực hành này được thấy đang bất cập trong thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sống và sứ mạng của Giáo hội, và vì thế cần phải được nhận thức lại và được thúc đẩy cách đặc biệt. Quả thực, đây chính là mục tiêu thực tiễn mà Đức thánh cha Phanxicô nhắm đến cho Thượng Hội đồng Giám mục lần này. Nó nằm trong tầm nhìn cải tổ Giáo hội mà ngài vốn cưu mang từ trước, nhất là từ khi được bầu chọn vào sứ vụ Phêrô. Theo tầm nhìn của ngài, Giáo hội ngày nay cần một cuộc cải tổ rất nền tảng, dựa vào định hướng căn bản của Công đồng Vatican II, để Giáo hội thể hiện tốt hơn bản chất của mình, và phục vụ hữu hiệu hơn cho thế giới, như tinh thần của Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay (Gaudium et Spes).

‘Lắng nghe’ giả thiết đi ra – nhất là các mục tử đi ra chứ không đóng kín trong thế giới nhận thức giới hạn của mình, để gặp gỡ và lắng nghe các tín hữu thuộc mọi tầng lớp, đặc biệt những người vốn ít có cơ hội được lắng nghe nhất. Đồng thời, mọi thành phần trong Giáo hội cũng đi ra, để gặp gỡ và lắng nghe các anh chị em bên ngoài, trong thế giới, không phân biệt niềm tin tôn giáo hay ý thức hệ.

Còn ‘phân định’ thì giả thiết sự nhìn nhận rằng Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội qua các kênh truyền ấy. Thiếu sự nhìn nhận này, việc đi ra và lắng nghe sẽ vẫn còn dang dở, hay chỉ là một ‘động tác giả’ rồi đâu vẫn hoàn đấy mà thôi. Phân định cũng giả thiết việc sẵn sàng đón nhận điều mới mẻ và bất ngờ mà Thánh Thần mách bảo. Bởi Thánh Thần luôn tác động đổi mới và luôn tự do, như ‘gió muốn thổi đâu thì thổi’!

Tầm nhìn cải tổ Giáo hội với các công cụ là đi ra để lắng nghe và phân định như vậy được gồm tóm trong ý niệm ‘hiệp hành’ hay ‘đồng hành đồng nghị’. Nó thể hiện chiều kích đặc sủng của Giáo hội. Và sự nhấn mạnh nó cho thấy chiều kích cơ chế của Giáo hội được kỳ vọng chuyển động theo hướng tản quyền nhiều hơn. Sau đây, bài viết sẽ thử nhận diện một số dấu vết của tầm nhìn cải tổ này nơi Đức thánh cha Phanxicô.

 

  1. Bối Cảnh

Đức Phanxicô là một giáo hoàng đến từ thế giới mục vụ, với ‘kỹ năng’ phân định của một tu sĩ Dòng Tên dày dạn. Khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires, ngài đã bộc lộ những tính cách của một mục tử đi ra, gần gũi dân chúng, nhất là những anh chị em nghèo khó và bất hạnh.

Mọi người còn nhớ, hôm 10.2.2013 Đức giáo hoàng Biển Đức XVI tuyên bố từ chức trong một bối cảnh Giáo hội đầy những vấn đề, ngay cả tại giáo triều… Sự kiện Hồng y Jorge M. Bergoglio được bầu chọn làm giáo hoàng hơn một tháng sau đó được cho là có liên quan đến bài tham luận ngắn mà ngài trình bày ứng khẩu với các Hồng y cử tri trước khi các vị bước vào mật tuyển viện. Bài tham luận ấy gồm bốn điểm:

(1) Xác nhận rằng loan báo Tin Mừng là lý do hiện hữu của Giáo hội. Và sứ mạng loan báo Tin Mừng giả thiết một nhiệt tâm tông đồ, trong đó Giáo hội phải đi ra khỏi chính mình để đến với các vùng ngoại vi hiện sinh…

(2) Nếu không đi ra, thì đó là Giáo hội tự qui chiếu về mình và trở nên bệnh hoạn. Có thể nói, Đức Giêsu đang gõ cửa từ bên trong để chúng ta mở cửa và cho phép Người đi ra gặp gỡ thế giới nhân sinh…

(3) Tự qui chiếu về mình, hay qui ngã, Giáo hội sẽ không còn là mầu nhiệm mặt trăng (mysterium lunae) nữa, dẫn đến những dạng thế tục thiêng liêng (tiếng Pháp: mondanité spirituelle), điều mà Henri de Lubac khẳng định là điều tệ hại nhất cho Giáo hội.

(4) Ước mong vị giáo hoàng sắp được bầu chọn là một con người say mê chiêm ngắm Chúa Giêsu cách thâm sâu, nhờ đó có thể giúp Giáo hội đi ra khỏi chính mình, đến với các vùng ngoại vi hiện sinh trong niềm vui là động lực loan báo Tin Mừng.

Khi Hồng y Bergoglio cuối cùng được bầu chọn, ngài được Hồng y Claudio Hummes ngồi bên cạnh nhắc khẽ: “Đừng quên người nghèo!”. Cái tên ‘Phanxicô’ bật ra trong tâm trí vị giáo hoàng tân cử chính tại giây phút ấy, và ngài chọn luôn, hoàn toàn không hề chuẩn bị trước! Hồng y Hummes kể rằng mấy tiếng “Đừng quên người nghèo” được mình nói lên hoàn toàn bộc phát tại chỗ, không hề chủ động ý thức, như là tiếng nói của chính Chúa Thánh Thần! Và ngài nhận xét rằng tên hiệu ‘Phanxicô’ của vị tân giáo hoàng, vốn gây bất ngờ cho tất cả các Hồng y có mặt, thực sự chuyên chở một kế hoạch mà Chúa Thánh Thần dành cho Giáo hội. Mọi người đều biết Thánh Phanxicô Assisi, thế kỷ 13, đã từng cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Đamianô và đã nghe được lệnh truyền của Chúa: “Hãy đi và xây dựng lại nhà của Ta đang bị hư hoại!

  1. Tầm Nhìn Cải Tổ Giáo Hội Được Giới Thiệu Chính Thức

Ngay trong những ngày đầu tiên của Giáo hoàng Phanxicô, ngồn ngộn các giai thoại về ngài được tường thuật trên truyền thông, và tất cả đều có cùng một chiều hướng: đó là, một vị giáo hoàng giản dị trong y phục, chỗ ở, phương tiện đi lại; luôn luôn tận dụng cơ hội để tiếp xúc gần gũi dân chúng, nhất là người nghèo và những người trong các hoàn cảnh khó khăn… Chuyến đi đầu tiên ra khỏi Rôma của ngài là đi xuống Lampedusa, miền duyên hải phía nam nước Ý, để gặp gỡ và chia sẻ với những người vượt biển nhập cư bất hợp pháp ở đó; họ sống sót sau khi rất nhiều người khác đã bỏ mạng trên biển. Tại đây ngài đã có một bài giảng nổi tiếng với chủ đề “Em ngươi đâu?”, nhắc lại lời Chúa tra vấn Cain về Abel. Ngài kêu gọi mọi người hãy xin lại ơn biết khóc, biết khóc trước những nỗi thống khổ đang đè nặng trên số phận của vô số anh chị em mình…

Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Braxin (2013), Đức Phanxicô tham dự lần đầu tiên trong cương vị giáo hoàng, ngài kêu gọi các bạn trẻ: “Các con về lại giáo phận mình, hãy quậy tưng lên!” Từ ‘quậy tưng’ chính xác là từ ngài dùng (‘stir’ trong tiếng Anh). Lời kêu gọi này như một trong những phát tín hiệu cải cách Giáo hội.

Nhưng tín hiệu chính thức, đó là việc Đức Phanxicô công bố Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) gần cuối năm đó (24.11.2013).

  1. Tông huấn Evangelii Gaudium (EG)

Đây là văn kiện giáo huấn đầu tay của riêng Đức Phanxicô. Được gọi là Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục (tức Thượng Hội đồng về Tân Phúc âm hóa hồi tháng 10.2012, dưới triều Đức thánh cha Biển Đức XVI), nhưng EG mang tư tưởng của Đức Phanxicô nhiều hơn là vận dụng các Đề nghị chung kết của các Nghị phụ. Rõ ràng, EG là văn bản nền, chuyển tải tầm nhìn mục vụ nhằm canh tân Giáo hội của Đức Phanxicô. Một vài ghi nhận về EG:

– Điểm nhắm: Hoán cải mục vụ để chuyển hóa sứ mạng loan báo Tin Mừng (x. số 25-33).

– Hoán cải mục vụ theo chiều hướng ‘đi ra’, đến với các vùng ngoại vi hiện sinh (x. 20-24).

– Phải xuất phát từ trọng tâm cốt lõi của Tin Mừng và phải luôn bám chặt vào cốt lõi ấy. Cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng là Lòng Thương Xót (lòng Chúa thương xót con người kêu gọi con người thương xót nhau) (x. 34-39).

– Để thực hiện cuộc hoán cải mục vụ đó, cơ chế Giáo hội cần tản quyền nhiều hơn, trong đó các giám mục địa phương sẽ phân định nhiều vấn đề phát sinh trong địa hạt của mình, giáo hoàng không quyết định thay cho các vị được (x. 16).

Có thể khẳng định EG là cương lĩnh tổng quát chuyên chở tầm nhìn mục vụ và tầm nhìn sứ mạng nhằm cải tổ Giáo hội của Đức Phanxicô, sẽ được khai triển dần qua các văn kiện giáo huấn và các họat động theo sau…

  1. Một Số Văn Kiện và Các Họat Động Đáng Lưu Ý của Đức Phanxicô Cho Tới Nay

– Thông điệp Laudato Si’ (2015): là giáo huấn xã hội chuyên đề môi trường sinh thái, thúc đẩy ý thức gìn giữ và bảo vệ trái đất là ngôi nhà chung. Đây là một chuyển động ‘đi ra’, chia sẻ một trong những mối quan tâm hàng đầu của thế giới hiện đại.

– Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, 2015-2016: Được Đức Phanxicô mở cho toàn Giáo hội, để đào sâu cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng, như ngài đã xác nhận trong Tông huấn EG… Dịp này, ngài có Tông thư Misericordiae Vultus, khắc họa Đức Giêsu Kitô là Lòng Thương Xót hữu hình của Chúa Cha. Còn nhớ logo của Năm Thánh ngoại thường này trình bày Chúa Giêsu mục tử vác một anh ‘chiên’ đau yếu trên vai, với hai khuôn mặt quyện vào nhau (cùng chung một con mắt, một cái nhìn). ‘Đi ra’, đặt mình vào tâm cảnh của dân chúng đến mức nên một như thế!

– Hai Thượng Hội đồng Giám mục liên tiếp (2014 và 2015) về mục vụ Hôn nhân và Gia đình, được đúc kết trong Tông huấn Amoris Laetitia (2016), cho thấy mối quan tâm của Đức Phanxicô về lãnh vực mục vụ vô cùng quan trọng này. Đặc biệt, Chương 8 của Amoris Laetitia nêu những định hướng mục vụ hôn nhân mang tính cách mạng và đầy thách đố, chẳng hạn, các mục tử đồng hành cách biệt vị với các tín hữu trong hoàn cảnh hôn nhân bất thường, để lắng nghe, giúp phân định và đưa vào tiến trình hiệp thông chặt chẽ hơn với đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Không còn úp lên mọi trường hợp hôn nhân ‘rối’ một công thức xử lý cách cào bằng nữa, từ nay các mục tử sẽ chịu khó chăm sóc từng con chiên trong hoàn cảnh khó khăn riêng của họ.

– Tông huấn Gaudete et Exsultate (2018) về Lời Mời Gọi Nên Thánh trong Thế Giới Ngày Nay: Đức thánh cha đề cập chủ đề cốt lõi của linh đạo Kitô giáo, là việc nên thánh. Nhấn mạnh việc nên thánh trong đời thường, nên thánh là ‘nên người’ hơn, Đức thánh cha đã kéo ‘con đường thánh thiện’ xuống sát đất, giúp mọi người cảm thấy gần gũi. Đồng thời, trọng tâm và tiêu chuẩn của nên thánh được khẳng định luôn là: hấp thu và sống mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô! Đặc biệt, Chương 2 của Tông huấn này, nói về hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện là ngộ đạo thuyết hiện đại và thuyết Pêlagiô hiện đại, Đức thánh cha như muốn nói cách riêng với các vị mục tử trong Giáo hội, cảnh báo về tinh thần tự mãn, qui ngã, ám ảnh về lề luật và làm cho Tin Mừng trở nên phức tạp. Nhấn mạnh họat động của ân sủng chính là thúc đẩy ý thức về chiều kích đặc sủng của Giáo hội nhiều hơn, và bớt nặng não trạng cơ chế hơn… Nên thánh, hiểu như thế, chính là chân trời mà cuộc canh tân Giáo hội nhắm đến. Nhiều người nhận định: Chương 2 này cũng có thể được xem là câu trả lời cho nhóm Hồng y bảo thủ đã nêu ra các ‘dubia’ chất vấn Đức Phanxicô trước đó.

Cũng nên ghi nhận: nửa đầu Chương 3 của Tông huấn GE trình bày Các Mối Phúc như những nẻo đường nên thánh, nửa sau được Đức Phanxicô dành để chuyên chú quảng diễn một trong các Mối Phúc ấy, đó là Mối Phúc về Lòng Thương Xót, tức cốt lõi của sứ điệp Kitô giáo. Nói cách khác, bản văn Mt 25,31-46 (về cảnh Phán xét chung, về những việc làm của lòng thương xót) được Đức Phanxicô nhận diện là sự khai triển của chính Chúa Giêsu về Mối Phúc thứ năm: Phúc cho ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương (Mt 5,7).

Và cũng nên ghi nhận, nửa sau của Chương 5, Tông huấn GE, Đức Phanxicô giải thích rất cặn kẽ mà dễ hiểu về việc phân định, một công cụ chiến lược không chỉ của đời sống thiêng liêng mà cả của họat động mục vụ / sứ mạng của Giáo hội.

– Tông huấn Christus Vivit (2018): Trong khi Amoris Laetitia tập chú vào những người lớn trong ơn gọi hôn nhân, còn năm 2015 là Năm Đời sống Thánh hiến, tập chú vào các tu sĩ, thì Tông huấn Christus Vivit nói về và nói với các bạn trẻ, là tương lai và cũng là hiện tại của Giáo hội. Đức Phanxicô nói với người trẻ: “Giáo hội cần sức mạnh, trực giác và đức tin của các con”, nghĩa là, Giáo hội trân trọng và muốn lắng nghe các bạn trẻ! Chính trong Tông huấn này, từ synodal/synodality (với nghĩa: đồng hành đồng nghị/ ‘hiệp hành’) xuất hiện, dù chỉ một lần duy nhất, ở số 206:

Mục vụ giới trẻ phải có tính đồng hành đồng nghị; nó phải liên can đến một “hành trình cùng nhau”, với sự trân trọng các đặc sủng Thánh Thần ban cho, phù hợp với ơn gọi và vai trò của mỗi thành phần trong Giáo hội, xuyên qua một tiến trình đồng trách nhiệm… Được thúc đẩy bởi tinh thần này, chúng ta có thể tiến tới một Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng trân trọng tính đa dạng phong phú của mình, hân hoan đón nhận những đóng góp của người tín hữu giáo dân, gồm những người trẻ và các phụ nữ, những người thánh hiến, cũng như các nhóm, các hiệp hội và các phong trào. Không ai bị loại trừ, cũng không ai tự loại trừ chính mình.

Rõ ràng, đây là tiếng chuông hiệu báo trước chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2023.

– Tông huấn Querida Amazonia (2020): Là bốn giấc mơ của Đức Phanxicô về vùng Amazon (giấc mơ xã hội, văn hóa, sinh thái, và Giáo hội). Bốn giấc mơ được tóm lược ở số 7:

Tôi mơ một vùng Amazon chiến đấu cho các quyền của người nghèo, của các dân tộc bản địa và của các anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta, trong đó tiếng nói của họ có thể được nghe và phẩm giá của họ được thăng tiến.

Tôi mơ một vùng Amazon có thể bảo tồn kho tàng văn hóa đặc trưng của mình, trong đó vẻ đẹp nhân bản của chúng ta được tỏa sáng theo nhiều cách thức đa dạng.

Tôi mơ một vùng Amazon kiên quyết giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên choáng ngợp của mình, và giữ gìn sự sống vô cùng phong phú ngập tràn trong các dòng sông và các khu rừng của nó.

Tôi mơ những cộng đoàn Kitô hữu có khả năng quảng đại dấn thân, nhập thể vào miền Amazon và đem lại cho Giáo hội những vẻ mặt mới mẻ với các đặc nét của vùng Amazon.

Đó là giấc mơ của Đức Phanxicô về vùng Amazon do chính ngài diễn đạt. Đó cũng là một ‘mặt cắt’, cho biết tầm nhìn toàn thể của vị giáo hoàng về xã hội, văn hóa, sinh thái và Giáo hội.

– Thông điệp Fratelli Tutti (2021): Là một thông điệp xã hội nữa của Đức Phanxicô. Nếu Laudato Si’ mời gọi chăm sóc trái đất là ngôi nhà chung, thì Fratelli Tutti thúc đẩy việc xây dựng ‘tổ ấm’ trong ngôi nhà chung đó, là gia đình nhân loại. Đức thánh cha khẳng định phẩm giá bất khả nhượng của con người, dựa trên phẩm giá này ngài cổ võ mọi người, mọi nhóm, mọi quốc gia vun xới tình huynh đệ phổ quáttình thân hữu xã hội.

Thông điệp FT được soạn thảo trùng hợp với thời điểm bất ngờ bùng phát cơn đại dịch Covid-19. Cơn đại dịch trở thành một chứng cứ hùng hồn cho luận điểm của Đức Thánh Cha trong thông điệp này, đến mức ngài mạnh mẽ tuyên bố: “Bất cứ ai nghĩ rằng bài học duy nhất để học là cần phải làm tốt hơn những gì mình vẫn đang làm, hay cần phải thanh lọc các hệ thống và các qui tắc hiện hành, thì đó là những người đang phủ nhận thực tại” (số 7). Rõ ràng, Đức Thánh Cha muốn nói rằng phải thay đổi cả những hệ thống, những qui tắc, những não trạng cần được thay đổi, chứ không chỉ là những điều chỉnh hời hợt phần ngọn.

Có thể nhận diện phương pháp Xem-Xét-Làm – vốn đã trở thành rất thông dụng trong khung cảnh Giáo hội – cũng được áp dụng ở thông điệp này. Sau 8 đoạn mở đầu (số 1-8) giới thiệu nguồn cảm hứng chủ yếu (là Thánh Phanxicô Assisi) và nêu bối cảnh cụ thể của thông điệp, Đức Thánh Cha dành tám chương để khai triển nội dung chính, cuối cùng thông điệp được đúc kết lại với hai lời cầu nguyện (lời cầu nguyện với Đấng Tạo Thành và lời cầu nguyện hiệp nhất Kitô hữu). Các chương được bố cục như sau:

Chương 1: XEM – về bối cảnh, mà Đức thánh cha mô tả là “Mây đen phủ trùm một thế giới đóng kín”, số 9-55.

Chương 2: XÉT – dựa vào Lời Chúa, dụ ngôn về Người Samari Tốt Lành, để soi chiếu và nhận hiểu bối cảnh nói trên, số 56-86.

Các chương còn lại là phần LÀM, có tính xây dựng tầm nhìn và xác lập các nguyên tắc để thực thi, trong liên hệ đến một loạt các vấn đề thực tế. Trong đó:

Chương 3: Trình bày tầm nhìn và hướng đi mở ra phổ quát, liên đới, số 87-127.

Chương 4: Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy soi chiếu vào vấn đề người nhập cư, số 128-153.

Chương 5: Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy soi chiếu vào lãnh vực chính trị, số 154-197.

Chương 6: Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy thúc đẩy đối thoại, số 198-224.

Chương 7: Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy soi chiếu cách giải quyết chiến tranh, xung đột, bằng con đường hòa bình và tha thứ, số 225-270.

Chương 8: Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy trước hết mời gọi các tôn giáo đảm nhận cái thách đố vượt qua bạo lực và bảo vệ phẩm giá của mọi con người, số 271-287.

Như vậy, tư tưởng cốt lõi hay luận điểm chính của Thông điệp Fratelli Tutti là: đi từ đóng kín đến mở ra! Đặc biệt, câu chuyện Người Samari Tốt Lành ở Chương 2 cung cấp một mẫu thức cho tinh thần và thái độ mở ra, hầu chữa lành căn bệnh đóng kín đầy hiểm họa của thế giới này. Đó cũng là mẫu thức cho thái độ mở ra và đi ra của chính Giáo hội, nếu Giáo hội muốn thực sự là người phục vụ thế giới và nhân loại, theo tinh thần của Gaudium et Spes (Vatican II).

– Cũng cần nhắc lại, hồi năm 2019, trong nỗ lực xử lý các tai tiếng về lạm dụng tình dục của giáo sĩ, Đức Phanxicô đã công bố Tự sắc Vos Estis Lux Mundi, thiết lập những qui định liên quan, trong đó có ấn định rằng mỗi giáo phận sẽ đặt Văn Phòng cho mọi người dễ dàng tiếp cận hết sức có thể, để đón nhận những báo cáo về các vụ việc… Đây cũng là một động thái thúc đẩy thái độ sẵn sàng lắng nghe của các vị lãnh đạo trong Giáo hội.

– Mới đây, hôm 17.02.2022, Đức thánh cha Phanxicô có bài tham luận khai mạc Symposium quốc tế với chủ đề Thần học về Chức Linh mục tại Vatican. Ngài nói về bốn hình thức gần gũi thiết yếu của người linh mục (gần gũi với Thiên Chúa, với giám mục, với anh em linh mục, và với dân chúng). Ở phần đầu bài tham luận này, Đức Phanxicô một lần nữa khẳng định rõ ràng tầm nhìn ‘cải tổ’ của ngài đối với Giáo hội. Một cuộc cải tổ căn cơ, có thể ví như là thay đổi hệ điều hành của máy tính, chứ không phải chỉ là việc chỉnh sửa hay cài đặt một vài phần mềm ứng dụng. Hãy nghe chính ngài nói:

“Thời đại mà chúng ta đang sống không chỉ đòi ta kinh nghiệm sự thay đổi, mà còn phải chấp nhận thay đổi, trong nhận thức rằng thời đại này là một thời của những thay đổi mang tầm lịch sử. Nếu chúng ta còn nghi ngờ, thì Covid đủ cho thấy điều ấy quá rõ ràng: thật vậy, sự lan tràn của vi rút này không thể được coi như chỉ là một vấn đề về y tế và sức khỏe. Chúng ta có thể đáp trả bằng nhiều cách khác nhau trước thách đố thay đổi. Vấn đề là trong khi nhiều hành động và thái độ có thể tốt và hữu ích, thì không phải tất cả chúng đều mang bản sắc Tin Mừng. Chẳng hạn như việc tìm kiếm những cách làm cố hữu, rất thường bám chặt vào quá khứ, nhằm “bảo đảm” một loại bảo vệ khỏi những nguy cơ, che chở chúng ta trong một thế giới hay một xã hội vốn không còn tồn tại nữa (nếu như nó đã từng tồn tại), như thể cái trật tự được định sẵn này có thể hóa giải những xung đột mà lịch sử đặt ra cho chúng ta.

“Lạc quan quá đáng, kiểu “Ồ mọi sự sẽ ổn thôi”, có thể là một thái độ khác. Thái độ này rốt cục dẫn tới sự thờ ơ đối với nỗi đau gắn liền với cuộc chuyển hóa này, dẫn tới việc thiếu khả năng chấp nhận những căng thẳng, những phức tạp và hàm hồ của thời hiện tại, và “độc tôn” những cái mới mẻ thời thượng như là thực tại tối hậu và do đó quẳng bỏ sự khôn ngoan từ trước tới nay.

“Cả hai thái độ đều chung qui là một sự chạy trốn. Cả hai đều là cách đáp trả của kẻ chăn thuê trông thấy sói tới thì bỏ chạy: chạy về quá khứ hoặc phóng vào tương lai. Cả hai đều không thể đem lại những giải pháp chín chắn.

“Thay vào đó, tôi nghiêng về cách đáp trả phát xuất từ một sự chấp nhận đầy tin tưởng đối với thực tại, bám chặt vào sự khôn ngoan và Truyền thống sống động của Giáo hội, cho phép chúng ta ra khơi mà không sợ hãi. Tại thời khắc này của lịch sử, tôi cảm thấy rằng Chúa Giêsu một lần nữa mời gọi chúng ta “đưa thuyền ra chỗ nước sâu” (x. Lc 5,4), trong niềm tin tưởng rằng Người là Chúa của lịch sử, rằng với sự dẫn dắt của Người, chúng ta sẽ phân định được chiều hướng để đi. Sự cứu độ của chúng ta không hề “vô trùng”, không phải là sản phẩm từ một phòng thí nghiệm hay một duy linh thuyết phi xác thể. Phân định thánh ý Thiên Chúa có nghĩa là học cách nhìn thực tại với đôi mắt của Chúa. Đó không có nghĩa là tránh né những thực tế mà dân chúng của mình đang kinh nghiệm, cũng không phải là loay hoay tìm kiếm một lối thóat lặng lẽ và nhanh chóng được cung cấp bởi ý thức hệ thời thượng hay bởi những câu trả lời tiền chế. Tất cả những cách ấy đều không có khả năng xử lý những thời khắc lịch sử đầy khó khăn và thậm chí tăm tối của chúng ta. Hai nẻo đường nói trên sẽ dẫn ta tới chỗ phủ nhận “lịch sử của mình xét như là Giáo hội, một lịch sử huy hoàng bởi vì đó là một lịch sử của hy sinh, của những niềm hy vọng và những cuộc chiến đấu mỗi ngày, của những cuộc đời hiến thân phục vụ và trung tín làm việc” (Evangelii Gaudium, 96).” (hết trích)

Tôi phải trích dẫn khá dài như trên, bởi vì tôi tin rằng mặc dù Đức thánh cha đang nói tại một sự kiện với chủ đề chuyên biệt (chủ đề Thần học về Chức Linh mục), ngài đã một lần nữa bộc lộ xác tín của ngài về chiều hướng cải tổ Giáo hội, là điểm nhắm của Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra.

TẠM KẾT

Trên đây là một cái nhìn lướt nhanh, nắm bắt chỉ một số trong rất nhiều dấu vết mà Đức Phanxicô để lại sau những bước chân của lộ trình gần 9 năm trong cương vị giáo hoàng. Dù chỉ lướt nhanh, nhưng thiết tưởng các dấu vết ấy cũng khá đủ rõ để ta nhận ra sự nhất quán trong thao thức và trong tầm nhìn cải tổ Giáo hội của Đức thánh cha. Có thể nói, tất cả những gì ngài nói và làm 9 năm qua, nhất là công cuộc Thượng Hội đồng lần này, đều là sự khai triển cương lĩnh của ngài như được trình bày trong Evangelii Gaudium, hay cô đọng hơn: trong bài tham luận ứng khẩu ngắn ngủi mà dựa vào nó các Hồng y đã quyết định bầu chọn ngài làm giáo hoàng.

Chúng ta cầu nguyện cho Đức thánh cha (chính ngài vẫn thường xin như vậy), cầu nguyện cho toàn thể Giáo hội, cách riêng cho Thượng Hội đồng Giám mục, để làn gió mới của Chúa Thánh Thần thổi mạnh mẽ vào Giáo hội hôm nay, phát động một cuộc canh tân hữu hiệu mà Chúa mong muốn.

Cuối cùng, tính ‘đồng hành đồng nghị’ – hay ‘hiệp hành’ – là một mẫu thức thể hiện Giáo hội. Nó hệ tại ở tư duy và xác tín sâu xa của chúng ta. Nó không phải là một giải pháp nhất thời, kiểu như một chiến dịch hay một phong trào.

Lm. Giuse Lê Công Đức (04.03.2022)        

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31